Thứ tư, 22/03/2023, 09:14 (GMT+7)

Vinh quang trong thù hận và những người mẹ độc hại điển hình

Minh Hằng (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Vinh quang trong thù hận là bộ phim đang gây bão toàn cầu với những màn trả thù đầy tâm cơ, bên cạnh câu chuyện trả thù, phim hé lộ bi kịch của nạn nhân bắt nguồn từ chính người thân của mình.

Mẹ chiều chuộng con vô lối

Trong phim “Vinh quang trong thù hận”, người mẹ của nhân vật Yeon Jin điển hình là một người mẹ chiều chuộng con gái vô lối. Ngay từ bé với gia cảnh tốt, Yeon Jin đi học đã trở thành “trùm bắt nạt” ở trường. Ở tuổi dậy thì, thay vì được giáo dục như một đứa trẻ bình thường, biết chịu trách nhiệm với những hành động của mình thì nhân vật nữ này lại được bà mẹ dung túng cho tất cả những sai lầm. Khi cô con gái sử dụng bạo lực học đường man rợ với bạn như đánh đập gây thương tích, lấy máy uốn tóc đang nóng dí vào người bạn cùng lớp khi cô gái bị bỏng toàn thân.

nh 3
Sự chiều chuộng và dung túng của người mẹ khiến nhân vật Yeon Jin coi trời bằng vung (Ảnh phim Vinh quang trong thù hận)

Không những thế, cô ta dù mới ở độ tuổi vị thành niên nhưng cấp độ bạo lực ngày càng tăng vì tất cả những hành vi xấu mà Yeon Jin gây ra cô ta đều không phải chịu trách nhiệm. Bằng tiền của bà mẹ, Yeon Jin không những không bị phạt mà nạn nhân phải hứng chịu bạo lực học đường lại là người phải nghỉ học.

Vì chiều chuộng vô lối và luôn bao che, dung túng cho hành động của con gái nên Yeon Jin ngày càng hung hãn, điển hình là cô ta đã gây ra cái chết cho bạn học và bà mẹ cũng đã nhúng tay với cảnh sát ham tiền để giấu nhẹm việc đó.

Ở ngoài đời, không ít những cha mẹ Việt có cách chiều chuộng con vô lối như vậy. Trên mạng xã hội và truyền thông, không ít những bài viết về việc mẹ đưa con nhỏ đi chơi, con làm hỏng đồ giá trị cao ở các hàng quán, thay vì chịu trách nhiệm thay con và trách phạt, những bà mẹ này thường có câu “trẻ con nó biết gì đâu” và thoái thác mọi trách nhiệm về việc con mình làm sai.

Đó là câu chuyện cư xử ngoài phố, ở nhà, những người mẹ bênh con thường có những biểu hiện sau:

+ Luôn thỏa mãn các điều kiện vật chất cho con nhưng không dạy dỗ con đúng đắn.

+ Sao chép bản thân hoặc ước muốn của bản thân để nuôi dạy con. Ví dụ người mẹ vốn là một người ích kỷ thì thường dạy con y như cách nghĩ của mình.

+ Luôn có hành động bảo vệ, bao che, bênh vực con bất kể con sai hay đúng.

+ Không dạy con về các chuẩn mực theo giá trị xã hội.

Mẹ thực dụng, sa đọa

Ngược lại với mẫu người mẹ dung túng thì người mẹ tồi tệ như mẹ của nhân vật Dong Eun cũng cho thấy bi kịch của nhiều nạn nhân đôi khi lại bắt nguồn từ những người thân thiết nhất. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, mẹ của Dong Eun là một người đàn bà thực dụng, lối sống sa đọa, hành nghề bất lương, nghiện rượu và lang chạ. Bà ta gần như đã bỏ rơi đứa con gái của mình từ nhỏ, đến khi con cần người giám hộ, bà ta quay về và kí vào hợp đồng “bán” con, ép con phải nghỉ học để lấy được khoản tiền thương lượng từ những kẻ đã sử dụng bạo lực man rợ với con mình.

nh 1
Một người mẹ độc hại điển hình và không hiếm thấy ở đời thực: Sa đọa, thực dụng, coi con cái là mỏ tiền và không ngừng sử dụng bạo lực với con ngay từ khi con còn nhỏ (Ảnh phim Vinh quang trong thù hận)

Ở ngoài đời, không thiếu những người mẹ như vậy. Trên các hội nhóm kín như “Hội những người ghét cha mẹ” trên Facebook, thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia, sôi nổi nhất là tuổi teen với hàng trăm bài viết kể về cha mẹ mình mỗi ngày. Như tên gọi, các chia sẻ đều là những đứa trẻ đang tuổi lớn, gặp mâu thuẫn khó hóa giải với cha mẹ mình, từ chuyện bị ép học môn không muốn học, bị cấm những điều vô lý, giám sát con như tù nhân, đến chuyện đánh đập, chửi bởi, thóa mạ, bố mẹ đánh nhau trước mặt con, mẹ chửi bới bố và nhồi nhét vào đầu con cái những ý niệm tiêu cực về người thân.

Thậm chí có không ít những vụ mẹ ôm theo con tự tử do cá nhân nợ nần, do chồng ngoại tình muốn trả thù chồng,...

Cần đối diện ra sao với những người mẹ độc hại?

nh2
Nhân vật Dong Eun đã phải gánh chịu bi kịch từ chính người thân của mình, sau đó tiếp tục là nạn nhân của bạo lực học đường, cô chọn cách dùng lên để đấu tranh thay vì buông xuôi cho số phận (Ảnh phim Vinh quang trong thù hận)

+ Nên trò chuyện trực tiếp dù biết cuộc nói chuyện có thể đạt được thương lượng hoặc không. Tuy nhiên việc nói chuyện sẽ tốt hơn im lặng, bản thân con cái nên học cách nói chuyện bình tĩnh với cha mẹ để cha mẹ hiểu được những tâm tư trong lòng mình, bất kể cha mẹ có đồng ý đón nhận và thay đổi hay không.

+ Cố gắng thay đổi góc nhìn: Dẫu biết việc này là rất khó đối với những người trẻ đang ở độ tuổi nổi loạn, tuy nhiên, càng lớn, càng va đập ngoài xã hội nhiều, chúng ta càng có cái nhìn khoan dung với những sai lầm của người thân hơn. Việc thay đổi góc nhìn và nhìn ra điểm tốt của cha mẹ cũng khiến con cái giảm nhẹ những suy nghĩ tiêu cực và cố gắng để dung hòa mối quan hệ khi vẫn còn chung sống.

+ Cắt đứt liên lạc: Đây được coi là biện pháp cuối cùng để con cái tránh xa những người thân độc hại, sau khi đã thử hàng loạt các biện pháp trên mà không thành công. Cuối cùng, sự ám ảnh về những tổn thương do người thân gây ra sẽ là những ám ảnh nặng nề và gây chấn thương tâm lý mãi mãi về sau với nạn nhân. Vì thế, trong trường hợp không may mắn sinh ra trong một gia đình thiếu lành mạnh, hãy cố gắng sống bản lĩnh và tự lập, tự chủ. Hãy sống cuộc đời mình.

Cùng chuyên mục