Thứ bảy, 11/03/2023, 14:24 (GMT+7)

Vì sao chúng ta ghét tình cũ của người yêu?

Cảm xúc ganh ghét thường xuất hiện khi bạn chưa cảm thấy đủ đầy. Do đó, cách xử lý khôn ngoan nhất là trao đổi thẳng thắn với đối phương về sự lo lắng của mình.

Vì sao chúng ta ghét tình cũ của người yêu - Ảnh 1.

Cảm giác ghét người cũ của bạn trai/bạn gái hiện tại là phản ứng tâm lý bình thường. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

“Tôi ghét người cũ của anh ấy, dù chị ta chẳng gây hại gì đến tôi”.

“Bạn trai cũ của bạn gái khiến tôi lo lắng. Thậm chí, chúng tôi cãi nhau vì anh ấy, người tôi chưa từng gặp gỡ”.

Thực tế, ghen tuông với người yêu cũ của nửa kia không phải cảm xúc quá xa lạ với bất kỳ ai đang ở trong mối quan hệ tình cảm.

Song, đã bao giờ bạn tự hỏi đâu là lý do thực sự dẫn đến thái độ ghét bỏ này? Liệu nó có khiến chúng ta trở thành kẻ xấu trong mắt đối phương và những người xung quanh? Đâu là cách xử lý, hay cảm giác ấy sẽ luôn đeo bám bạn tới ngày tình yêu kết thúc?

Nếu cũng đang lăn tăn về vấn đề tương tự, dưới đây là một số lý giải và lời khuyên từ Stylist.

Vì sao chúng ta ghét tình cũ của người yêu - Ảnh 1.

Sự bất an, tính đố kỵ và thói cạnh tranh là nguyên nhân chính khiến bạn ghét tình cũ của người yêu. Ảnh minh họa: Rodnae Productions/Pexels.

Nguyên nhân

Theo chuyên gia sức khỏe tâm thần Beth Gulotta, thông thường, có 3 lý do chính khiến chúng ta ghét “hội người yêu cũ” mà không cần lý do gì.

Thoạt nghe, chúng có vẻ vô hại hoặc khó gây ra vấn đề lớn. Tuy nhiên, nếu không sớm tìm cách xử lý, đây cũng sớm trở thành nguyên nhân giết chết mối quan hệ của bạn.

Sự bất an

Nếu luôn cảm thấy lo âu, không chắc chắn về mọi thứ, nhiều khả năng bạn sẽ tự lý tưởng hóa bạn trai/bạn gái cũ kia.

Trong mắt bạn, họ trở thành đối tượng hấp dẫn, ngọt ngào và đáng được theo đuổi. Đồng thời, bạn cũng tự cho mình thấp kém hơn họ nhiều lần.

Vấn đề nằm ở chỗ, mọi thứ chỉ đang do chúng ta “vẽ” ra. Có thể, bạn lo lắng, không tin tưởng vào tình cảm đối phương dành cho mình.

Mặt khác, đây cũng là ảnh hưởng của việc chưa tìm ra điểm mạnh, sức hút của bản thân. Cứ như vậy, bạn liên tục tấn công nửa kia bằng hàng loạt câu hỏi, yêu cầu họ khẳng định tình yêu với mình và gây ra nhiều sự phiền toái, áp lực cho đôi bên.

Tính cạnh tranh

Nhằm lấy lại “vị thế”, bạn thường cố cư xử khác bình thường để chứng minh sức hút của mình với nửa kia.

Tuy nhiên, hành động kiểu này dễ khiến họ khó chịu, cho rằng bạn đang cố bắt chước “tình địch”. Mặt khác, chúng ta cũng khó thoải mái khi không được là chính mình và phải liên tục nghĩ cách tạo điểm nhấn cho các hoạt động vốn đã quen thuộc.

“Đây rõ ràng là sự cạnh tranh vô nghĩa. Song, một số khách hàng của tôi lại không nhận ra sự thật. Họ thậm chí còn trách ngược và đổ tội đối phương đã dồn ép mình thực hiện hành vi này. Không thể trả thù người mình yêu, nhóm này chuyển sang tô đậm thái độ ghét bỏ dành cho mối tình cũ kỹ kia”, Gulotta nói.

Tính đố kỵ

Sự đố kỵ có thể xuất phát từ cảm xúc thiếu thốn của cá nhân. Chẳng hạn, đối phương không cho bạn mức tình cảm như kỳ vọng, hoặc gây ra cảm giác lo âu về tương lai gắn bó.

Lúc này, trạng thái “không được lấp đầy” thôi thúc bạn bộc lộ suy nghĩ, lời nói ganh ghét, so bì, cho rằng bạn trai/bạn gái không yêu mình như cách từng làm với tình cũ.

Rất có thể, vấn đề nằm ở cách đối xử mà người yêu dành cho bạn. Song, khó loại trừ trường hợp bạn đang đòi hỏi cao hơn khả năng cho đi của đối phương. Dù lý do là gì, bạn vẫn không thoát được vòng lặp thù ghét dành cho đối tượng nằm ngoài mối quan hệ này.

Vì sao chúng ta ghét tình cũ của người yêu - Ảnh 2.

Đối thoại thẳng thắn là phương án tối ưu cho tình huống này. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Hướng giải quyết

Beth Gulotta tin rằng cách giải quyết cần được ưu tiên hàng đầu là trò chuyện thẳng thắn. Thay vì tìm cách gây chuyện hay dằn vặt nhau, bạn cần cho đối phương biết rõ về khúc mắc hiện tại.

Hãy nói cho họ biết về những bất an khiến bạn chật vật. Chẳng hạn, bạn cảm thấy lo lắng khi không được quan tâm đủ nhiều, hoặc kém hài lòng vì nửa kia hạn chế hoặc chưa bao giờ nhắc về mối quan hệ trước đó.

“Càng ít thông tin, bạn càng dễ có hình dung sai lệch về ‘tình địch’. Yêu cầu được biết thêm không sai, song chúng ta phải biết đâu là giới hạn nhằm tránh gợi lại kỷ niệm buồn hoặc cơn sang chấn cho người mình yêu”, chuyên gia giải thích.

Bên cạnh đó, cảm giác thù ghét sẽ được giải quyết khi bạn thiết lập ranh giới với người yêu. Dưới đây là vài gợi ý từ Gulotta:

“Đừng so sánh em với với người yêu cũ của anh. Chúng ta đều hiểu mỗi người đều có sự độc đáo riêng”.

“Em muốn nghe thêm về cô ấy để hiểu hơn về anh, chứ không phải để biết quá nhiều về niềm vui của hai người”.

“Để tình hình không trở nên căng thẳng, em mong chúng ta không xuất hiện tại sự kiện có mặt người yêu cũ của anh”.

Quan trọng hơn, bạn phải tự biết trân trọng giá trị của mình. Hãy dành thời gian hoàn thiện, chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần và ngoại hình, thay vì chỉ tập trung vào những chuyện không đáng bận tâm.

“Tóm lại, chẳng có gì sai khi bạn không thích tình cũ của người yêu hiện tại. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài quá lâu và nghiêm trọng dần, nửa kia sẽ dễ tủi thân, cho rằng đang bị đối xử thiếu công bằng.

Cứ như vậy, hai bạn sẽ có khoảng cách và chia ly là kết cục khó tránh. Do đó, tốt nhất hãy loại bỏ sự ganh ghét, thù hằn để giữ tình yêu lành mạnh”, chuyên nói nói thêm.

Cùng chuyên mục