Thứ tư, 22/03/2023, 14:19 (GMT+7)

Tràn lan video 'chọn ngành học' triệu view trên TikTok

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều nội dung tư vấn hướng nghiệp gây hoang mang cho học sinh khi chọn ngành học.

Mùa tuyển sinh đại học đang cận kề, các bạn học sinh cuối cấp THPT đang rất cần thông tin về các ngành học ở đại học cũng như nghề nghiệp trong tương lai. Trên mạng xã hội, nhất là nền tảng TikTok xuất hiện rất nhiều nội dung tư vấn hướng nghiệp thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và tương tác. Thế nhưng, nhiều TikToker hô hào bằng đại học là vô dụng và thông tin mang tính giật gân để hút người xem chứ không có sự kiểm chứng.

Tràn lan video
Thông tin các TikToker đưa ra theo hướng giật gân, câu view

Chỉ cần gõ từ khóa "chọn ngành học" hay "hướng nghiệp" trên công cụ tìm kiếm của TikTok, một loạt video với nội dung liên quan sẽ hiện ra. Đáng nói, khi gõ từ khóa "bằng đại học" trên nền tảng này, đứng đầu danh sách tìm kiếm là "Những bằng đại học vô dụng".

Một TikToker với hơn 336.000 lượt theo dõi đã thường xuyên cập nhật các nội dung tư vấn ngành học và thu về lượt xem "khủng". Song, người này lại được mệnh danh là "kẻ hủy diệt ước mơ" khi đa số nội dung đều hướng tới thông điệp "học đại học vô dụng".

tran lan video chon nganh hoc
Tràn lan video "chọn ngành học" triệu view trên TikTok

Hay một tài khoản TikTok thu hút hơn 2,9 triệu lượt xem với video có nội dung "3 ngành học vô dụng" và tạo ra cuộc tranh cãi không hồi kết. 3 ngành được người này lập luận là "vô dụng" là quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing và quản lý nhân sự.

Sau khi những clip này thu hút lượng tương tác quá lớn khiến nhiều người làm nội dung khác bắt chước theo với nội dung na ná và tiếp tục lan truyền các thông tin không có sự kiểm chứng. Người làm nội dung đều nói rằng đó là dựa trên trải nghiệm của bản thân. Mà đã là trải nghiệm của cá nhân thì chẳng ai giống ai, tùy theo năng lực và sự cố gắng của mỗi người.

Vì vậy, trước mạng lưới thông tin đa chiều thí sinh cần tỉnh táo, bình tĩnh chọn lọc kênh thông tin, nội dung thông tin. Thí sinh nên theo dõi và tìm hiểu thông tin từ các kênh chính thống như website các trường, các tờ báo uy tín, đài truyền hình, đài phát thanh..

Cùng chuyên mục