Thứ hai, 27/03/2023, 15:51 (GMT+7)

Tiếp viên hàng không Việt Nam hé lộ những thứ có trong hành lý khi thực hiện chuyến bay

Việt Phong (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Trong hành lý của các tiếp viên hàng không, ngoài trang phục và đồ dùng cá nhân, họ còn mang theo iPad cập nhật thông tin về chuyến bay, thẻ bay, giấy phép bay... nhằm đảm bảo mọi thứ hoàn hảo, an toàn nhất.

Chia sẻ với Tiếp thị và Gia đình, N.H.H (tiếp viên một hãng hàng không ở Việt Nam) cho biết, hành lý là vật dụng quan trọng và cần thiết của mỗi tiếp viên hàng không. Trong vali sẽ có tư trang và đồ cá nhân để họ có thể làm việc, xử trí nếu như gặp sự cố ngoài mong muốn.

"Trong hành lý của chúng tôi mang theo trên mỗi chuyến bay là tư trang đồ dùng cá nhân. Trong đó, nguyên tắc quan trọng là ngoài quần áo thường phục mặc khi làm việc thì phải một bộ trang phục dự phòng của hãng. Trong trường hợp trang phục chính có vấn đề hoặc bị bẩn, chúng tôi phải thay ngay. Với các tiếp viên nữ thường có thêm một bộ trang điểm, kem dưỡng da. Các món đồ này để đề phòng trường hợp chuyến bay bị delay hoặc máy bay bị hỏng phải sửa chữa kéo dài thì tiếp viên có để dùng", H. chia sẻ.

tiep-thi-gia-dinh
iPad, giày dép hay trang phục dự phòng là các thứ không thể thiếu với các tiếp viên hàng không

Theo H., ngoài tư trang và đồ dùng cá nhân thì giấy khám sức khỏe định kỳ, giấy phép bay cũng là hai thứ không thể thiếu và được tiếp viên cho vào hành lý để lên máy bay. Bên cạnh đó, mỗi tiếp viên có thẻ bay kèm mã số, một bộ tài liệu chung với rất nhiều quy định, thông tin về đường bay... Tất cả được cập nhật đầy đủ vào một phần mềm trong iPad. Vì vậy, các tiếp viên sẽ phải luôn mang theo iPad khi lên máy bay.

"Giấy phép bay không phải được dùng cả đời, cấp một lần, mà mỗi năm các tiếp viên phải tham gia khóa học định kỳ. Nếu đạt các yêu cầu sẽ được gia hạn giấy phép bay. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ cũng được hãng tiến hành để đảm bảo các tiếp viên có đủ sức khỏe để đi các chuyến bay trong và ngoài nước", H. nói thêm.

tiep-thi-gia-dinh
Hành lý của tiếp viên vẫn phải qua soi chiếu an ninh như hành lý của khách

Hành lý của các tiếp viên trong các chuyến bay trong nước và quốc tế hầu hết giống nhau. Tuy nhiên, khi bay quốc tế sẽ cần có thêm hộ chiếu. Với những đường bay dài, có thể phải ở lại nước ngoài do lịch bay, tiếp viên phải mang theo quần áo nhiều hơn. 

"Hành lý của tiếp viên không có một ngoại lệ đặc biệt nào. Tất cả hành lý của phi công, tiếp viên đều phải qua cửa an ninh để soi chiếu kể cả lúc đi và lúc về, đó là nguyên tắc bắt buộc từ trước đến nay. Tiếp viên có thể lên máy bay trước để chuẩn bị đón khách, song các yêu cầu về an ninh vẫn giống như các hành khách bình thường", H. tâm sự thêm.

Trước mỗi chuyến bay, khâu chuẩn bị hành lý rất quan trọng với các tiếp viên như H. Cô cho hay, trước khi chuyến bay bắt đầu sẽ phải chuẩn bị trang điểm, trang phục, hành lý trước đó vài ba tiếng. Sau khi hoàn tất còn phải check list những thứ cần mang theo xem có thiếu gì hay không.

"Trước giờ ra máy bay, phi hành đoàn sẽ có một buổi họp ngắn giữa các thành viên của tổ bay. Tiếp viên trưởng chỉ đạo nhiệm vụ cho từng người trong tổ bay để thống nhất cách làm việc, kiểm tra các giấy tờ và chứng chỉ kỹ lưỡng đảm bảo các tiếp viên đạt chuẩn để thực hiện chuyến bay", chị H. cho hay.

Việc trở thành tiếp viên hàng không không chỉ có vẻ hào nhoáng bên ngoài, đó là kết quả của một quá trình đào tạo kéo dài nhiều tháng từ các kỹ năng, xử trí tình huống, cho đến tác phong đi lại, cách cười và nói. "Cách xách hành lý như thế nào cũng được đào tạo cẩn thận. Chúng tôi được học cách đi lại, cách trang điểm, búi tóc sao cho gọn gàng và đẹp mắt, cách trang điểm theo tông màu của tóc và theo phong cách giống nhau giữa các tiếp viên để có đội hình đẹp nhất", H. bày tỏ. 

Với nhiều tiếp viên của các hãng không trên thế giới, họ từng chia sẻ mang theo cả giày đế bệt để đi lại trong những chuyến bay kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Có người cẩn thận đến mức mang cả kim, chỉ để có thể may vá ngay khi trang phục có vấn đề, đảm bảo mọi thứ luôn hoàn hảo, đẹp mắt nhất. 

Thậm chí, có người mang theo túi đồ ăn nhỏ, sổ và bút để ghi chép, đèn pin, túi đồ sơ cứu nhằm đề phòng các tình huống khẩn cấp. 

Với hàng không Việt Nam, trước khi tiến hành kiểm tra an ninh hàng không, người khai thác tàu bay cần cung cấp danh sách các thành viên của tổ bay cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không. Các thành viên tổ bay cần tuân thủ quy định về trang phục, đóng gói hành lý và chỉ mang theo hành lý được quy định.

Tại điểm kiểm tra an ninh hàng không, thành viên tổ bay cần xuất trình thẻ nhận dạng tổ bay để được kiểm tra bởi nhân viên an ninh hàng không. Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không sẽ kiểm tra danh sách tổ bay của chuyến bay cùng với thẻ nhận dạng tổ bay.

Việc kiểm tra, giám sát, lục soát an ninh đối với thành viên tổ bay và hành lý của họ được thực hiện tương tự như đối với hành khách và hành lý xách tay của họ. Chi tiết về việc kiểm soát hành lý, đồ vật của tổ bay khi lên tàu bay sẽ được quy định trong chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không.

Cùng chuyên mục