Thứ hai, 03/10/2022, 09:24 (GMT+7)

Thời trang nhanh đang tàn phá môi trường như thế nào?

Thời trang nhanh có tác động vô cùng nặng nề đến môi trường. Xu hướng này bùng nổ từ những năm 1960 và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

thời trang nhanh phá hoại môi trường
thời trang nhanh phá hoại môi trường

Trong phân khúc thời trang nhanh, các sản phẩm đều được tạo ra nhờ vào hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Ảnh: Shutterstock)

Thời trang là 1 trong 10 ngành công nghiệp tàn phá môi trường nhiều nhất. Đặc biệt là mảng thời trang nhanh. Từ việc sản xuất, tiêu dùng cho đến vứt đi đều có tác động vô cùng nặng nề đến môi trường. Xu hướng này bùng nổ từ những năm 1960 và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng thay vì những bộ quần áo được may đo kĩ lưỡng.

Thời trang nhanh là gì?

Thời trang nhanh là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc thời trang được sản xuất với số lượng lớn, chất liệu rẻ và chất lượng thấp. Quá trình sản xuất được đẩy nhanh để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và bắt kịp các xu hướng.

Người tiêu dùng thường xuyên mua quần áo giá rẻ để vẻ ngoài luôn được đổi mới. Theo tổ chức từ thiện TRAID ở Anh quốc, trung bình mỗi món đồ thời trang nhanh chỉ được mặc khoảng 10 lần. Sau đó chúng bị vứt đi vì chất lượng thấp. Vòng tuần hoàn này cứ thế lặp đi lặp lại.

Thời trang nhanh đang tàn phá hành tinh ta như thế nào?

Môi trường nước

Chất thải từ các nhà máy dệt đều chứa những chất hoá học độc hại. Như chì, thuỷ ngân và thạch tín. Những chất này thường được đổ thẳng ra sông và biển. Chỉ riêng tại Bangladesh đã có khoảng 22.000 tấn chất thải độc hại từ các xưởng thuộc da được đổ ra biển mỗi năm. Các tổ chức môi trường còn ước tính rằng để nhuộm và làm sạch 1 tấn vải cần tốn đến 200 tấn nước sạch. Tương đương với việc cần 2.650 tấn lít nước để sản xuất một chiếc áo thun cotton.

Lượng nước ô nhiễm từ việc xử lý vải nhuộm dệt, cũng như vi nhựa từ thời trang nhanh không chỉ giết chết các loài động vật dưới nước, phá huỷ môi trường sống của chúng mà còn khiến cho hàng tỉ người có nguy cơ thiếu nước sạch. Theo báo cáo của tổ chức WHO và UNICEF, có khoảng 2.2 tỉ người trên thế giới thiếu nước sạch để sử dụng. Ngoài ra, khoảng 3.6 tỉ người – tương đương phân nửa dân số toàn cầu có nguy cơ thiếu nước sạch ở một vài thời điểm trong năm.

Gây hiệu ứng nhà kính

Theo tạp chí Unearthed, nếu nhu cầu thời trang nhanh tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, thì lượng dấu chân carbon trên toàn cầu sẽ tăng đến 26% trước năm 2050. Nguyên do là vì:

  • Sản xuất và vận chuyển hàng triệu tấn quần áo mỗi năm tốn rất nhiều năng lượng.
  • Hầu hết quần áo được làm từ sợi tổng hợp và polyester. Đây là những loại nguyên liệu có nguồn gốc từ quá trình sản xuất dầu và xăng. Hay còn gọi là nguyên liệu hoá thạch.
  • Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ là những quốc gia có nhiều nhà máy dệt và sản xuất quần áo nhất trên thế giới. Các nhà máy này đều sử dụng than để vận hành.

Làm suy yếu đất và rừng

Không chỉ làm ô  nhiễm môi trường nước, thời trang nhanh còn làm cho đất và rừng suy yếu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái.

  • Dê và cừu được nuôi để lấy lông. Nhu cầu thời trang tăng cao sẽ dẫn đến việc chúng bị chăn thả quá mức trên các đồng cỏ. Từ đó sẽ khiến đất bị xói mòn, xuống cấp. Các loài cây quý hiếm bị tuyệt chủng và khan hiếm lương thực.
  • Các chất hoá học được sử dụng trong sản xuất vải cotton cũng khiến đất mất chất dinh dưỡng.
  • Nhu cầu vải được tổng hợp từ bột gỗ, như viscose (rayon) có thể dẫn đến phá rừng trầm trọng.
  • Hàng nghìn héc ta rừng nơi có những loại cây lâu đời và những loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng bị đốn chặt hàng năm. Chúng bị thay thế bởi những loại cây được trồng để phục vụ việc tổng hợp vải.

Chúng ta có thể làm gì?

Bạn có thể bảo vệ môi trường bằng cách thay đổi lối sống và những việc làm đơn giản:

  • Thuê quần áo đang được nhiều người lựa chọn. Nếu bạn cần quần áo đến một sự kiện đặc biệt nào đó, hoặc tiệc hoá trang, thay vì mua hẳn một bộ đồ mới thật hoành tráng, bạn có thể thuê nó để vừa tiết kiệm được tiền, vừa bảo vệ môi trường.
  • Mua quần áo với chất lượng tốt và mặc được nhiều lần, nhiều dịp.
  • Giữ gìn quần áo kĩ hơn. Hạn chế giặt ủi đồ jeans. Bởi việc giặt quần áo quá nhiều cũng thải các sợi vi nhựa ra môi trường.
  • Trao đổi quần áo hoặc đóng góp cho các tổ chức từ thiện.
  • Mua đồ second-hand nếu có thể.
  • Học cách may vá, sửa chữa quần áo bị hỏng, rách thay vì vứt bỏ chúng.

 

 

Cùng chuyên mục