Thứ tư, 21/12/2022, 06:15 (GMT+7)

Sữa hạt và những điều có thể bạn chưa biết

(Tiepthigiadinh) - Sữa hạt là một trong những nhóm thực phẩm được sử dụng phổ biến thời gian gần đây, bởi hàm lượng dinh dưỡng cao, lành tính, cách làm lại vô cùng đơn giản.

Bài viết này thuộc series Dinh dưỡng

lợi ích của sữa hạt, các loại sữa hạt, lợi ích của sữa, ai nên uống sữa, sữa tăng chiều cao, sữa giảm cân

Xem thêm

1. Sữa hạt là gì?

Sữa hạt là loại thức uống được chế biến từ các loại hạt, có thể là hạt ngũ cốc: mè, gạo, ngô, yến mạch…; các loại đậu: đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ… hay các loại hạt dinh dưỡng giàu chất béo: mắc ca, hạt óc chó, hạnh nhân, điều… Mỗi loại hạt khác nhau sẽ có giá trị dinh dưỡng và công dụng khác nhau. 

Việc uống sữa hạt có tác dụng tương tự như khi ăn các loại hạt chế biến ra chúng, mà không làm giảm hay biến chất dinh dưỡng từ các loại hạt này. Đây là món đồ uống tốt cho sức khỏe mà không hề có sữa động vật trong đó.

2. Các loại sữa hạt

Dựa vào thành phần và đặc điểm của nguyên liệu mà sữa thực vật chia làm 4 loại chính:

  • Hạt dinh dưỡng: Hạnh nhân, óc chó, hạt điều, macca,…

  • Đậu: Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành, đậu lăng, đậu gà,…

  • Ngũ cốc: Gạo, yến mạch, kiều mạch, hạt sen, kê, diêm mạch,…

  • Hạt có dầu: Mè đen, đậu phộng (lạc), hạt bí, hạt thông, hạt lanh,…

Dưới đây là top 10 loại sữa hạt phổ biến và có công dụng tốt nhất cho sức khỏe.

2.1. Sữa hạt đậu nành

Sữa đậu nành là một loại sữa hạt phổ biến làm từ đậu tương. Sữa đậu nành thường có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng lành tính hơn sữa bò hay các loại sữa từ động vật, do đó hầu như phù hợp với mọi người, mọi lứa tuổi.

Đậu nành còn có hàm lượng estrogen tương đối giống hormon sinh dục ở nữ, do đó, được coi như là người bạn tốt của chị em phụ nữ.

sua hat tiepthigiadinh
Ảnh minh hoạ

2.2. Sữa ngô

Sữa ngô (hay còn gọi là sữa bắp) là một loại sữa phổ biến được chế biến từ hạt ngô (hạt bắp). Sữa ngô không có cholesterol và lactose. Trong sữa ngô có nhiều tinh bột cùng với các vitamin và chất xơ, giúp bổ sung năng lượng, có lợi cho hệ tiêu hóa, bổ não, chống lão hóa và có lợi cho tim mạch. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia khuyến cáo, việc ăn ngô nguyên hạt sẽ tốt hơn làm thành sữa. Ngoài ra, lạm dụng sữa ngô quá nhiều có thể gây tăng đường huyết, dễ béo phì, dễ sâu răng (khuyến cáo được đưa ra bởi các chuyên gia Hoa Kỳ - nơi mà người ta sử dụng chủ yếu là ngô ngọt, còn với ngô nếp ở Việt Nam thì hàm lượng đường ít hơn rất nhiều).

sua ngo tiepthigiadinh
Sữa ngô - một loại sữa hạt được nhiều người ưa thích

2.3.Sữa hạt óc chó

Hạt óc chó là vua của các loại hạt, nó cung cấp rất nhiều dưỡng chất, hàm lượng dinh dưỡng rất cao, giàu omega 3, chất chống oxy hoá. và vitamin,...lành tính với mọi người, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

sua hat oc cho tiepthigiadinh
Sữa hạt óc chó

Theo Tổ chức Nutrition Australia (Úc), các loại sữa hạt như: sữa hạt óc chó, sữa hạnh nhân…còn là nguồn dinh dưỡng tối ưu và an toàn, đặc biệt với những người dị ứng với sữa động vật, vì góp phần mang đến cho bạn những dưỡng chất như protein và chứa chỉ số GI (Glycemic Index) hay còn gọi là chỉ số đường huyết thấp, góp phần giữ nồng độ glucose và đường huyết luôn ổn định.

3.4. Sữa hạnh nhân

Sua hanh nhan tiepthigiadinh
Sữa hạnh nhân

Sữa hạnh nhân là loại sữa hạt được chiết xuất từ hạnh nhân (hay còn gọi là hạnh đào). Sữa hạnh nhân không chứa cholesterol, giàu canxi, Vitamin D và Vitamin E. Trung bình, một ly sữa hạnh nhân có thể cung cấp 25-50% số lượng Vitamin D và E cần thiết cho một ngày. Bên cạnh đó, sữa hạnh nhân cũng cung cấp ít protein và calo hơn sữa bò, thích hợp cho người ăn kiêng hoặc muốn giảm cân. Hàm lượng đường trong sữa hạnh nhân cũng không cao, phù hợp với cả những người bị bệnh tiểu đường.

3.5. Sữa hạt sen

Sữa hạt sen là một trong những thức uống bổ dưỡng, ngon và có công dụng tuyệt vời mà chị em nào cũng nên biết. Bởi sữa hạt sen giúp làn da trở nên sáng bóng, duy trì dáng vóc, chống lão hóa…

Sua hat sen tiepthigiadinh
Sữa hạt sen

Theo số liệu công bố trên tạp chí Dinh dưỡng của Mỹ, hạt sen giàu protein, kali, phốt pho, giảm lượng mỡ bão hòa, cholesterol xấu thấp. Trong nghiên cứu, kết quả cho thấy cứ 100gr hạt sẽ chứa 350 calo, 65gr carbohydrate, 17gr protein…

Ngoài ra, hạt sen còn là một trong những “thuốc” chữa bệnh mất ngủ, stress, suy nhược cơ thể. Khi uống sữa hạt sen, bạn sẽ có giấc ngủ sâu hơn, tránh mệt mỏi sau những ngày dài học tập và làm việc.

3.6. Sữa yến mạch

Sữa yến mạch là một loại sữa thực vật, có thể sử dụng cho người ăn chay hoặc thay thế cho các loại sữa động vật để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Sữa yến mạch được làm từ hai nguyên liệu chính là yến mạch và đường. Thành phần ngũ cốc sẽ mang đến cho bạn một loại thức uống ngon miệng, có thể sử dụng làm sữa yến mạch cho bé nhỏ, người già hoặc người mới khỏi bệnh.

Yến mạch chứa carbohydrate hấp thu chậm vì vậy giúp có cảm giác no lâu, cung cấp năng lượng cho một ngày làm việc. Trong yến mạch giàu các chất đạm thiên nhiên, chất béo không bão hòa, vitamin và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.

sua yen mach tiepthigiadinh
Sữa yến mạch là loại sữa có thể sử dụng cho người ăn chay

3.7. Sữa gạo lứt

Gạo lứt là loại gạo chỉ vừa xay bỏ phần vỏ trấu bên ngoài, còn giữ nguyên được lớp cám gạo nên vẫn giữ nguyên nhiều dưỡng chất.

Sua gao lut tiepthigiadinh
Sữa gạo lứt

So với gạo trắng thông thường, gạo lứt có hàm lượng chất xơ cao hơn cũng như có nhiều dưỡng chất khác như vitamin nhóm B, vitamin E, D, Inositol,… Sữa gạo lứt là lựa chọn hàng đầu của nhiều người khi bắt đầu chế độ giảm cân hoặc đơn giản là muốn sử dụng một thức uống bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe.

3.8. Sữa hạt macca

Sua hat macca tiepthivagiadinh
Sữa hạt macca

Sữa macca được làm từ một loại hạt có mùi thơm, béo đặc trưng – hạt macca. Hạt macca nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt chúng có đạm thực vật, cực kỳ an toàn và bổ dưỡng. Macca có 3 loại: màu đen, màu đỏ hoặc vàng nâu, tùy theo nhu cầu sử dụng để lựa chọn.

Thành phần có trong hạt macca cực kỳ bổ dưỡng, chúng có hầu như gần hết chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể: Calo, chất béo, carbohydrate, chất xơ, sắt, mangan,…

3.9. Sữa đậu đỏ

Sua dau do tiepthigiadinh
Sữa đậu đỏ

Sữa đậu đỏ có rất nhiều lợi ích tự nhiên chẳng hạn duy trì cân nặng, cung cấp hàm lượng vitamin, protein cho việc tăng cường sức khỏe, duy trì cơ bắp khỏe mạnh. Cực kì phù hợp với người tiểu đường. Đậu đỏ, đậu xanh rất tốt cho tim mạch vì giàu chất xơ, vitamin B, folate, magie và kali.

3.10. Sữa mè đen

Sua me den tiepthigiadinh
Sữa mè (vừng) đen

Mè đen (hay vừng đen) là thực phẩm rất quen thuộc đối với người tiêu dùng, là loại ngũ cốc không xa lạ với người Việt. Sữa mè đen là một trong những chế phẩm được làm từ mè đen nguyên chất. Sữa mè đen thường được kết hợp với nhiều loại hạt như óc chó, hạnh nhân, đậu gà,… rất hấp dẫn.

Sữa hạt mè đen nguyên chất được ưa chuộng vì mùi vị thơm đặc trưng của nó, thường được ví như "tiên dược" với y học đông và tây. Sữa mè đen chứa nhiều axit béo không no như axit folic, axit amin, sesamin, sesamolin, sesamol, cùng với các Vitamin E và các khoáng chất đồng, sắt, canxi… Tuy nhiên, sữa mè đen tương đối khó làm và có màu sắc hơi đục do mè đen có màu đen.

3. Lợi ích của sữa hạt

Các sản phẩm sữa hạt có thể chứa protein, canxi và nhiều vi chất cần thiết khác rất tốt cho nhiều nhóm đối tượng. Với chiết xuất 100% thiên nhiên với thành phần dinh dưỡng, sữa hạt mang lại cho cơ thể những lợi ích tuyệt vời sau:

3.1. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng

Sữa hạt giúp bổ sung cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết như vitamin, chất xơ. Nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe như magie, sắt, kali, canxi và vitamin D. Hầu hết các loại hạt có chứa axit béo omega-6 giúp tăng sức đề kháng; tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Trong sữa hạt cũng chứa hàm lượng chất đạm dồi dào giúp cơ thể tràn đầy năng lượng và khỏe khoắn. 

Trung bình trong 100ml sữa hạt chứa tới 15g chất đạm, 30g chất béo; cùng nhiều khoáng chất đáp ứng khoảng 30 – 40% nhu cầu thiết yếu của cơ thể mỗi ngày. Sữa hạt cung cấp nhiều vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.

3.2. Cải thiện chức năng tim mạch

Theo Yournews, sử dụng sữa hạt thường xuyên có thể hỗ trợ cải thiện chức năng tim mạch. Kali và Magie có trong tinh dầu hạt sẽ giúp các cơ và xương khớp hoạt động nhịp nhàng hơn. Từ đó làm giảm áp lực cho tim và giúp hệ tim mạch của bạn hoạt động khỏe hơn.

Bên cạnh đó, các axit béo không bão hòa đơn và axit béo không bão hòa đa có trong sữa hạt giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Các vấn đề về tim mạch sẽ không còn khiến bạn lo lắng khi giữ thói quen uống sữa hạt thường xuyên và đều đặn.

Người cao tuổi, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… mỗi ngày uống từ 300 - 500ml sữa hạt, vào bữa ăn sáng và chiều sau giấc ngủ trưa. Không nên uống quá 500ml/ngày vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu.

3.3. Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Nhiều người ở tuổi trưởng thành mắc chứng không dung nạp lactose. Là tình trạng cơ thể có các triệu chứng về tiêu hóa như chướng bụng, tiêu chảy… Sau khi tiêu thụ những đồ ăn, thức uống có chứa lactose. Lúc này, sữa hạt là một lựa chọn hoàn hảo vì không chứa lactose. 

Uống sữa hạt vẫn giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể như sữa bò nhưng lại không gây ra tình trạng dị ứng, rối loạn tiêu hóa. Sữa gạo, sữa hạt lanh… là lựa chọn tốt cho cho sức khỏe lúc này.

3.4. Cân bằng chỉ số đường huyết

Vì các loại hạt tự nhiên có chỉ số đường huyết thấp; nên uống sữa hạt sẽ có tác dụng làm giảm tối thiểu lượng đường trong máu. Thực tế, sữa hạt còn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Bằng cách giảm cảm giác thèm đồ ngọt và tạo cảm thấy no lâu hơn. Người bệnh đái tháo đường nên uống sữa hạt thường xuyên để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

3.5. Duy trì làn da khỏe mạnh

Sữa hạt rất giàu đồng, một khoáng chất điều chỉnh việc sản xuất protein của da, như collagen và elastin. Không đủ lượng protein này có thể khiến da dễ bị lão hóa sớm. Sữa hạt lại chứa các thành phần tự nhiên hỗ trợ chống lão hóa, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp đào thải độc tố, giúp duy trì làn da mịn màng, hồng hào, sáng khỏe.

3.6. Tăng cường sức khỏe cho mắt

Gutein và zeaxanthin là những hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ có trong sữa hạt. Những chất chống oxy hóa này giúp thị lực khỏe mạnh, cũng như bảo vệ đôi mắt khỏi bị tổn thương do stress oxy hóa.

Thêm sữa hạt vào thực đơn hàng ngày có thể bảo vệ đôi mắt khỏi nguy cơ mất thị lực và các vấn đề về mắt khác.

3.7. Sữa hạt hạn chế tăng cân

Các loại sữa hạt chứa ít năng lượng hơn so với sữa động vật. Trong 100ml sữa đậu nành chứa khoảng 26 calo, sữa tách béo khoảng 32 calo trong khi sữa bò có khoảng 63 calo.

Sữa hạt không những không gây béo mà còn còn tạo cảm giác no lâu. Uống sữa hạt thường xuyên giúp duy trì cân nặng để có vóc dáng thon thả. Để giảm cân, bên cạnh việc duy trì chế độ ăn hợp lý nên uống sữa hạt không đường thay thế một bữa ăn trong ngày (bữa sáng hoặc bữa tối) và không uống quá 500ml/ngày.

4. Cách nấu sữa hạt

4.1. Sữa đậu nành

Nguyên liệu: 500g đậu nành; 5, 6 lá dứa; 150g đường (gia giảm tùy khẩu vị); Túi lọc 

Cách làm: Bước 1: Đậu nành mua về ngâm trong tô nước sạch, để qua đêm. Hôm sau chắt bỏ nước ngâm đậu, rửa sạch đậu nành dưới vòi nước lạnh thêm vài lần nữa. Bước 2: Cho đậu nành vào máy xay sinh tố, chế thêm nước theo tỉ lệ 4 muỗng canh đậu nành thì pha với 350ml nước. Nên làm sữa đậu nành bằng máy xay sinh tố có kèm theo bộ lọc để dễ dàng loại bỏ bã đậu nành. Bước 3: Bật máy xay trong khoảng 2 phút, cho máy nghỉ 30 giây rồi tiếp tục xay đế tránh máy bị nóng quá. Tắt máy, rót sữa đậu nành qua rây lọc để loại bỏ bã đậu nành. Đừng vội bỏ đi phần bã đậu trong máy xay sinh tố vì chúng có rất nhiều dưỡng chất. Múc bã đậu cho vào vải lọc, rồi bóp mạnh để chắt phần sữa trong bã. Sau khi làm xong, sẽ thấy bã đậu khô đi và nhỏ lại. Sau đó đổ sữa vào chảo rồi bắc lên bếp gas hoặc bếp điện, thắt lá dứa lại rồi cho vào chảo nấu với sữa. Đun sữa ở nhiệt độ thấp trong khoảng 10 phút, khuấy đều tay, đến khi sữa sôi thì cho thêm đường, khuấy cho tan rồi tắt bếp. Sữa đậu nành có thể bảo quản 1-2 ngày.

4.2. Sữa ngô (bắp)

Nguyên liệu: 2 bắp ngô Mỹ to (nên chọn trái đều hạt, còn tươi, to dài đều); 220ml sữa tươi không đường; 1/3 chén sữa được có đường; 1 lít nước 

Cách làm: Bước 1: – Bắp Mỹ chọn trái to, còn tươi. – Bóc sạch vỏ, giữ lại phần lá trong của trái bắp, rửa sạch và bó lá như hình 2. – Luộc bắp và lá với 1 lít nước cho đến khi bắp mềm (khoảng 20 phút). – Lấy bắp ra, để nguội, dùng dao tách hạt bắp ra khỏi cùi. Bước 2: – Cho hạt bắp và nước luộc bắp vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. – Lọc bỏ phần bã bắp đi, chỉ lấy phần nước cốt (đây chính là sữa bắp). – Nấu sữa bắp ở lửa nhỏ, khuấy đều tay tránh sữa bị cháy. – Khi sữa bắp sôi, cho sữa đặc và sữa tươi vào khuấy đều, khi nào nồi sữa bắp sôi thì tắt bếp 

4.3. Sữa yến mạch

Nguyên liệu: 200g yến mạch cắt nhỏ; 1000ml nước lọc; 15ml mật ong; 1 muỗng cà phê bột quế (không bắt buộc) 

Cách làm: Bước 1: Ngâm yến mạch vào trong nước 20 phút sau đó vớt ra rửa sạch chất nhờn. Bước 2: Cho yến mạch, bột quế vào máy xay cùng nước lọc xay thật nhuyễn sau đó dùng vải mỏng lọc sữa yến mạch cho mịn màng. Bước 3: Bắc nồi lên bếp cho sữa yến mạch vào nấu sôi với lửa nhỏ sau đó cho mật ong vào khuấy đều rồi tắt bếp. Để nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản.

4.4. Sữa hạnh nhân

Nguyên liệu: 100g hạnh nhân; 1 lít nước; 150g đường; 1 chiếc máy xay

Cách làm: Bước 1: Ngâm hạnh nhân với nước ấm khoảng 4 giờ để dễ tách lớp vỏ ở ngoài. Bước 2: Sau khi ngâm, tách vỏ, bóc bỏ lớp vỏ lụa, để ráo nước. Cho hạnh nhân vào máy xay, đổ thêm khoảng 500ml nước, xay kỹ, nhiều lần để hỗn hợp thật nhuyễn. Bước 3: Cho hỗn hợp qua rây, thêm một ít nước, dùng muỗng khuấy đều và rây kỹ để lọc bỏ phần bã. Bước 4: Cho sữa đã lọc vào nồi, thêm 150g đường (có thể gia giảm tùy theo khẩu vị), khuấy đều để đường tan. Bước 5: Bắc lên bếp, đun với lửa vừa, khuấy đều tay để sữa không bị vón. Khi sữa sôi, bạn để thêm 1 chút rồi tắt bếp. Bước 6: Sau đó, để nguội và rây lại 1 lần nữa để loại bỏ hết cặn. Đổ ra ly và thưởng thức.

4.5. Sữa hạt óc chó

Nguyên liệu chính: 100g nhân óc chó, 50g mè đen.

Cách làm: Bước 1: Ngâm hạt hoặc rang hạt. Với hạt óc chó, trước khi ngâm có thể rang sơ cho hạt thơm ngon, dậy mùi. Sau đó bạn có thể ngâm hạt óc chó trong vòng 2-4 giờ rồi rửa lại với nước sôi để nguội. Với hạt mè đen thì bạn phải ngâm từ 8-12 giờ. Bước 2: Xay hạt. Cho óc chó và mè đen vào trong 1 lít nước sôi để nguội rồi xay thật nhuyễn mịn. Bước 3: Lọc sữa. Sau khi đã xay xong, bạn nên trút hạt óc chó vào trong rây lọc để chắt lấy sữa, bỏ đi phần xác. Bước 4: Đun sữa. Nếu ở bước 1 bạn không rang sữa thì ở bước này sau khi lọc xong bạn nhớ đun sôi liu riu trên lửa nhỏ khoảng 10-15 phút thì tắt bếp. Rót vào bình để sử dụng dần.

4.6. Sữa hạt sen

Nguyên liệu: 250g hạt sen; 500ml sữa tươi; 1/3 lon sữa đặc có đường; 100g đường trắng (gia giảm tùy khẩu vị); 1,5 lít nước

Cách làm: Bước 1: Tách tim sen bằng tăm để sữa không có vị đắng. Sau đó rửa sạch hạt sen, để ráo. Bước 2: Mang hạt sen đã để ráo xay kĩ với nước bằng máy xay sinh tố. Bước 3: Lót một miếng vải sạch vào một chiếc rây nhỏ. Đổ phần sen đã xay qua đó lọc rồi vắt kiệt để thu lấy nước cốt. Phần bã còn lại dùng màng lọc bóp kỹ thêm lần nữa với phần nước còn lại để có thể lấy hết dưỡng chất có trong hạt sen. Bước 4: Đổ nước sen vào nồi đun với lửa vừa, bạn nhớ khuấy đều tay để sữa không bị đóng cặn. Bước 5: Khi nước sen bắt đầu sôi thì bạn cho sữa đặc và đường trắng vào, đun đến khi sữa sôi đều lại là được. Để nguội, cho vào bình thủy tinh hoặc bình nhựa, bảo quản trong tủ lạnh. Sữa hạt sen có thể bảo quản trong tủ lạnh 3 ngày. 

4.7. Sữa đậu đỏ

Nguyên liệu: 200g đậu đỏ hạt to; 1 lít nước; 250ml sữa không đường; 100g đường 

Cách làm: Bước 1: Rửa sạch đậu, ngâm đậu với nước 6 tiếng. Bước 2: Đem đậu đi xay với 1 lít nước. Bước 3: Lọc qua rây hoặc túi lọc, bỏ bã. Bước 4: Lấy nước đậu đã xay đi đun sôi, rồi cho đường và sữa không đường vào đun đến khi sôi trở lại. Bước 5: Tắt bếp, để sữa nguội cho vào bình kín và bảo quản trong tủ lạnh. 

4.8. Sữa gạo lứt

Nguyên liệu: 100g gạo lứt; 360ml sữa tươi không đường; 1 lít nước lọc; 100g đường phèn 

Cách làm: Bước 1: Gạo lứt mua về không vo, nhặt sạch những tạp chất sau đó đem rang với lửa nhỏ cho thơm. Bước 2: Cho 300ml nước lên bếp đun sôi, sau đó cho gạo lứt vào nấu chín mềm. Chú ý nên nấu với lửa nhỏ. Bước 3:  Đem gạo lứt đã nấu chín cho vào máy xay và xay nhuyễn. Bước 4: Lược qua rây hoặc tấm vải sạch và ép cho thật mạnh tay để ra hết chất bột trong gạo. Bước 5: Cho 700ml nước còn lại vào nồi, cho sữa tươi và đường phèn vào đun sôi. Sau đó cho phần nước gạo lứt đã lược lọc vào chung. Canh lửa nhỏ thêm khoảng 5-10 phút là được. Sữa gạo lứt có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, có thể sử dụng 3-4 ngày. 

5. Cách kết hợp các loại hạt và nguyên tắc nấu sữa hạt

  • Các loại hạt không nấu kết hợp với nhau: gạo lứt - hạt sen; gạo lứt - nếp cẩm;...

  • Các hạt phải nấu kết hợp với nhau: óc chó - mè đen; yến mạch - mè đen; hạt điều - hạt bí; hạnh nhân - mè;...

  • Mix hạt cần nấu với hạt không cần nấu cần nấu chín hạt cần nấu trước.

  • Kết hợp hạt với một số loại củ, quả để dễ tiêu hóa: hạt điều - cà rốt; macca - khoai lang; hạnh nhân - nghệ; macca - sắn dây;...

  • Kết hợp hạt giàu vitamin, khoáng chất với hạt giàu chất béo để tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng.

  • Khi nấu hạt dùng đường phèn và 1 xíu muối để tăng vị thanh và vị nguyên bản của hạt.

  • Không nên kết hợp hạt có tính sánh và tính trong để làm sữa hạt nếu không sẽ bị tách nước, kết tủa.

6. Lưu ý khi sử dụng sữa hạt

  • Không dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Mặc dù sữa hạt chứa nhiều dinh dưỡng nhưng không cân đối, thiếu axit amin, vitamin b12 cho nên trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng sẽ bị thiếu chất, khó hấp thụ canxi trong sữa nên dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng.

  • Các loại sữa hạt, không thể thay thế được hoàn toàn sữa bò, chỉ nên sử dụng như loại sữa bổ sung chứ không phải sữa thay thế.

  • Trước khi thêm sữa hạt vào chế độ dinh dưỡng, cần thận trọng do các loại hạt rất dễ gây dị ứng.

  • Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con dùng sữa hạt thay cho sữa tươi, sữa công thức.

  • Sữa hạt là thức uống phù hợp cho người ăn chay hoặc người gặp các vấn đề với sữa động vật. Ví dụ như không dung nạp lactose trong sữa bò, chứ không có tác dụng chữa bệnh hay điều trị.

  • Loại sữa này tốt nhất nên sử dụng vào buổi sáng và buổi trưa, có thể sử dụng trước bữa ăn để kích thích hệ tiêu hóa, hoặc sử dụng như một món tráng miệng sau bữa ăn.

  • Không nên uống vào buổi tối, nhất là với những loại sữa hạt được làm từ hạnh nhân, óc chó, mắc ca...vì chúng chứa nhiều chất béo. Việc sử dụng vào buổi tối, sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa người dùng.

  • Chỉ nên dùng từ 200 - 250ml/lần và không nên dùng quá 1 lít/ngày.

Cùng chuyên mục