Thứ hai, 27/03/2023, 05:30 (GMT+7)

Quan Lạn - vùng đất hoang sơ tại Quảng Ninh

Thu Thảo (Tiep thi gia dinh)

Đến Quan Lạn, bạn có thể tận hưởng sự mát lành trong làn nước biển và khám phá cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ xung quanh đảo vời rừng thông, rừng trâm bạt ngàn, tham quan các làng chài và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm
quan-lan-tiepthigiadinh-1
Vẻ đẹp hoang sơ đến nao lòng của Quan Lạn (Ảnh: sưu tầm)

Quan Lạn được biết đến với những bãi tắm đẹp, hấp dẫn như bãi Quan Lạn, Sơn Hào và Minh Châu. Do nằm khá xa đất liền nên các bãi tắm ở đây còn hoang sơ, nước biển trong vắt, bờ cát trắng mịn trải dài bên những rặng phi lao xanh ngắt tạo không gian khoáng đạt với bầu không khí mát mẻ, trong lành. Nếu như bãi Sơn Hào gây ấn tượng bởi những con sóng to thì bãi Minh Châu lại êm đềm, phẳng lặng, nước trong vắt. Bãi Quan Lạn được nhiều du khách ưa thích bởi cảnh quan thơ mộng, dọc con đường đi đến bãi tắm. 

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm Quan Lạn 

Giống như Cô Tô, Quan Lạn đẹp nhất khi vào hè từ tháng 4 đến tháng 6 khi trời chưa quá nóng, không có bão. Mùa thu ở Quan Lạn đẹp nhưng không khí lạnh hơn, mưa khá nhiều, Nếu đi từ tháng 7 đến tháng 9, bạn có thể theo dõi dự báo thời tiết để tránh gặp mưa bão, áp thấp nhiệt đới. 

Tuy nhiên, xu hướng tham quan đảo vào mùa thu được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi thời tiết mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, lãng mạn mà tránh được sự ồn ào, quá tải của mùa du lịch cao điểm hè. Trong làn gió mang vị mặn mòi của biển, Quan Lạn vào thu với đầy đủ cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn khách du lịch. 

Những địa điểm không nên bỏ lỡ khi đến Quan Lạn 

Đình Quan Lạn 

quan-lan-tiepthigiadinh-2
Ảnh: sưu tầm

Không chỉ cuốn hút bởi những bãi biển trong xanh, tuyệt đẹp, Quan Lạn còn có quần thể di tích mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất từng là thương cảng “bậc nhất trời Nam”, nổi bật là đình Quan Lạn - một trong hai ngôi đình cổ nhất của tỉnh Quảng Ninh. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ 17), thờ Vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), thành hoàng làng và các vị tiền bối có công quai đê lập ấp. Kiến trúc đình kiểu chữ công, gồm tiền đường và hậu cung. Mái đình lợp ngói vẩy, các đầu đao uốn cong, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Đình có 32 cột cái, 26 cột quân được làm bằng gỗ lim và gỗ mần lái - loài cây chỉ có trên đảo đá Ba Mùn. Trải qua nhiều thế kỷ, những cột gỗ vẫn còn nguyên vẹn, chưa hề bị mối mọt, trong đó có những cây cột cái cao trên 5m, đường kính 70cm. Các bức cốn, đầu bẩy, đầu dư, câu đầu, cửa võng… của đình được chạm khắc tinh xảo hình tượng rồng, phượng, hoa, lá.

Nằm ngay cạnh đình Quan Lạn là chùa Quan Lạn (Linh Quang tự) thờ Phật và mẫu Liễu Hạnh. Qua cổng tam quan chùa là bái đường và hậu cung. Hiện chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật mang đậm phong cách điêu khắc thời Nguyễn; các bức hoành phi, câu đối và sắc phong.

Đền Quan Lạn nằm kế bên chùa Quan Lạn, là nơi thờ 3 anh em họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng), những người đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh trong trận Vân Đồn - Cửa Lục chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Quần thể đình - chùa - đền Quan Lạn đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990. 

Từ đền Quan Lạn, rẽ trái khoảng 1,5km, du khách sẽ đến đền thờ Trần Khánh Dư, vị tướng đã chỉ huy trận chiến tại sông Mang - Vân Đồn năm 1287, góp phần quan trọng vào đại thắng Bạch Đằng năm 1288. Trong đền hiện còn lưu giữ pho tượng của Trần Khánh Dư tương truyền có từ thời nhà Nguyễn và một số hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của ông.

Bãi tắm Quan Lạn 

quan-lan-tiepthigiadinh-4
Ảnh: sưu tầm

Đây là một trong những bãi tắm đẹp và nổi tiếng nhất trên hòn đảo xinh đẹp này. Trong không khí mát mẻ của những buổi sớm, du khách có thể cảm nhận được vầng thái dương đang nhô dần lên phía chân trời xa xa. Khi ánh nắng vàng ruộm phủ kín không gian, bạn có thể tận hưởng làn nước mát lạnh, ngắm nhìn biển xanh, cát trắng nắng vàng như bức tranh tuyệt vời đang hiện ra trước tầm mắt. Ánh nắng mùa thu làm không gian hòn đảo xinh đẹp này mới mẻ hơn đối với khách du lịch.

Nơi đây còn có nhiều địa chỉ “check-in” dành cho những tín đồ đam mê mạo hiểm như eo gió Gót Beo, một mũi đá đẹp, hùng tráng nằm ở cực Nam, thuộc thôn Yến Hải. Các bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc xe điện tới gần địa điểm này. Tuy nhiên cần đi bộ một đoạn qua rừng và cẩn trọng với sự hùng vĩ, hiểm trở của mũi đá này.

Từ trên đỉnh núi, bạn có thể quan sát được hòn đảo từ trên cao, hay nhìn ra biển xanh, với những con sóng tung bọt trắng xóa. 

Dòng sông đôi bờ cát trắng 

quan-lan-tiepthigiadinh-3
Ảnh: sưu tầm

Dòng sông này nằm ngay mặt đường chính trên đảo, cách đường rẽ ra bến tàu Sơn Hào khoảng 100m, hai bên cát trắng trải dài, bên dưới dòng sông sẽ lấp lánh khi có ánh nắng mặt trời. Nhưng nếu nhìn kỹ, bạn sẽ nhận ra đây là dòng nước thải của nhà máy gần đó, nhưng lên ảnh vẫn lung linh. Bạn nên chụp vào buổi chiều gần lúc hoàng hôn để được những bức ảnh đẹp nhất.

Bãi cỏ châu Âu

Nằm cạnh sông là một cánh đồng cỏ như đưa du khách tới vùng đất châu Âu nào đó. Bạn có thể thoải mái tạo dáng, và chụp góc từ trên cao xuống sẽ giúp có những bức ảnh ấn tượng hơn.

Đặc sản 

quan-lan-tiepthigiadinh-5
Ảnh: sưu tầm

Ẩm thực Quan Lạn bốn mùa trong năm đều nổi tiếng với các loại hải sản thơm ngon như tôm, cá, mực, các loại ốc, sá sùng... Và thật thú vị là du khách có thể tự tay đánh bắt, chế biến các loại hải sản này nếu có cơ hội tham gia tour trải nghiệm "Một ngày làm ngư dân" do chính ngư dân bản địa tổ chức, hướng dẫn. Kết thúc chuyến đi, bạn có thể được thưởng thức các món ngon đặc sản của đảo chế biến theo đúng hương vị bản địa, như: canh cá dìa, canh hoặc gỏi sá sùng thơm ngon mà lạ miệng…

Lưu trú 

Một số khách sạn được đánh giá cao tại Quan Lạn là Phoenix Minh Châu, Minh Châu Pearl Hotel & Spa, Minh Chau Beach Resort, Grandpearl Resort… 

Cách di chuyển 

quan-lan-tiepthigiadinh-6
Ảnh: Halo travel

Để tới đảo Quan Lạn, du khách sẽ phải đi theo 2 chặng:

Chặng 1: Tới Quảng Ninh

Du khách từ miền Nam hoặc miền Trung sẽ đáp chuyến bay ra Hà Nội hoặc Hải Phòng, Quảng Ninh rồi đi đường bộ tới bến tàu Hòn Gai, thành phố Hạ Long hoặc cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn.

Nếu không tự lái ôtô hoặc xe máy từ Hà Nội, bạn có thể đi xe limousine, xe khách đến Hạ Long hoặc Cửa Ông, Cẩm Phả tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát. Giá khoảng 150.000 đồng đến 200.000 một lượt. Thời gian di chuyển gần 4 tiếng.

Xuất phát từ Hải Phòng, thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng 30 phút. Giá xe limousine khoảng 150.000 đồng một lượt, xe khách khoảng 120.000 đồng một lượt.

Chặng 2: Từ cảng đi tàu ra đảo

Thời gian đi tàu cao tốc khoảng 45 phút. Thường khách du lịch chọn xuất phát từ cảng Cái Rồng để rút ngắn thời gian di chuyển trên biển. Lưu ý, khi đặt phòng bạn có thể yêu cầu khách sạn hỗ trợ đặt vé tàu cao tốc và xe đưa đón từ cảng cho thuận tiện.

Đi lại trên đảo

Giá thuê xe máy trên đảo trung bình 150.000 đồng một ngày (không xăng), nếu có xăng là 200.000 đồng. Bạn cần phải hỏi rõ ràng để tránh bực mình và hiểu nhầm vì nhiều khách đã gặp tình trạng tranh cãi chuyện này.

Thuê tuk tuk khoảng 700.000 đồng một ngày, xe điện khoảng 1.200.000 đồng một ngày. Phương tiện này phù hợp với nhóm đông người, gia đình.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục