Thứ tư, 15/02/2023, 13:58 (GMT+7)

Những thói quen nào gây hại đến thận của bạn?

PV - t/h (Theo Brightside, VTC)

(Tiepthigiadinh) - Trong cơ thể người, thận là cơ quan giải độc, có nhiều chức năng với cơ thể vì vậy việc giữ chúng an toàn là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người đã làm hại thận qua các thói quen sinh hoạt hàng ngày mà không biết.

Nhịn tiểu lâu

Không đi tiểu đúng lúc là một trong những nguyên nhân chính gây ra vấn đề về thận. Nếu bạn thường xuyên nhịn tiểu, bàng quang của bạn luôn trong tình trạng chứa nước tiểu trong thời gian dài, vi khuẩn sẽ bắt đầu sinh sản nhanh hơn gấp nhiều lần. Điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như nhiễm trùng thận và tiểu không tự chủ.

Ngồi lâu kéo dài

thoi quen hai than Tiepthigiadinh H1
Ngồi quá lâu mà không di chuyển có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận lên 30%.

Hai yếu tố quan trọng trong việc duy trì chức năng thận tốt là hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện huyết áp và duy trì chuyển hóa glucose bình thường. Ngồi trong thời gian dài mà không di chuyển có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận lên 30%. Nếu bạn ngồi hơn 8 giờ mỗi ngày tại nơi làm việc, hãy cố gắng hình thành một lối sống năng động tại nhà - tập thể dục ít nhất 2-3 lần một tuần và hãy đi bộ xung quanh khu phố khi có điều kiện.

Không uống đủ nước

Uống đủ nước giúp thận tạo ra nước tiểu để loại bỏ natri và độc tố ra khỏi cơ thể. Nếu bạn không uống đủ nước một cách thường xuyên, nó có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả hình thành những viên sỏi thận gây đau đớn.

Đối với hầu hết mọi người, 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày là đủ để giữ cho thận khỏe mạnh. Và đừng quên rằng bạn cần phải uống nước tinh khiết, và không thể thay thế bằng những loại nước khác. Khi uống đủ nước, nước tiểu của bạn có màu vàng nhạt. Còn nếu nước tiểu có màu tối hơn, có thể là dấu hiệu của tổn thương thận.

Uống nhiều nước ngọt, bia, rượu

Nước ngọt là loại đồ uống chứa nhiều axit với độ pH cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Thận là cơ quan điều chỉnh độ pH của cơ thể, nếu uống quá nhiều nước ngọt trong một thời gian dài sẽ rất dễ có nguy cơ mắc bệnh suy thận.

Chất cồn có trong bia, rượu ảnh hưởng rất lớn đến chức năng lọc và thải độc khỏi máu của thận. Bia rượu gây ứ đọng acid uric, làm tắc nghẽn ống thận và khiến thận bị suy một cách nhanh chóng.

Tiêu thụ quá nhiều muối và đường

95% natri trong thực phẩm được chuyển hóa bởi thận của bạn. Vì vậy, nếu bạn ăn quá nhiều sản phẩm mặn, cơ quan của bạn phải làm việc tích cực hơn để loại bỏ lượng natri dư thừa. Điều này có thể dẫn đến chức năng thận bị giảm và dẫn đến việc giữ nước trong cơ thể, sau đó có thể làm tăng huyết áp.

thoi quen hai than Tiepthigiadinh H2
Tiêu thụ quá nhiều muối hoặc đường sẽ gây suy giảm chức năng thận.

Việc tiêu thụ quá nhiều đường cũng có thể góp phần vào sự tiến triển của bệnh cao huyết áp, cũng như dẫn đến béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận.

Các chuyên gia khuyến cáo, lượng muối cần thiết cho cơ thể trong 1 ngày là khoảng 3,75 gram (hoặc 0,75 muỗng cà phê), đối với đường thì khoảng 25-38 gram (hoặc 6-9 muỗng cà phê).

Ăn nhiều đạm

Việc tiêu thụ quá nhiều protein động vật tạo ra rất nhiều axit trong máu có thể gây ra tình trạng nhiễm toan, một tình trạng khi thận của bạn không thể giữ cân bằng độ pH của cơ thể. Dần dần, rối loạn này có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng và các vấn đề về thận mãn tính.

Lượng protein được khuyến cáo hằng ngày là khoảng 1-1,6 gram/kg trọng lượng cơ thể. Vì vậy, thay vì ăn quá nhiều thịt, hãy cố gắng tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả hơn và bao gồm các loại protein khác nhau như trứng, cá, đậu và quả hạch vào chế độ ăn uống của bạn.

Bỏ bữa sáng

Buổi sáng là thời gian túi mật hoạt động bài tiết dịch để chuẩn bị cho việc tiêu hoá thức ăn. Những khi túi mật không có thức ăn để tiêu hoá sẽ làm cho dịch mật tích tụ lâu hơn trong cơ thể. Cứ như vậy một thời gian dài sẽ tạo điều kiện hình thành sỏi mật, sỏi thận, từ đó dẫn đến bệnh suy thận.

Thiếu ngủ

Chu kỳ giấc ngủ/thức tỉnh của bạn có vai trò điều hòa và điều phối chức năng thận của bạn, các mô của cơ quan này chỉ được làm mới khi bạn đang ngủ. Thận sẽ phải làm việc quá sức, sẽ xuất hiện các triệu chứng như quầng thâm mắt, cơ thể thiếu sức sống, đặc biệt sau 40 tuổi càng dễ xảy ra các bệnh liên quan thận.

thoi quen hai than Tiepthigiadinh H3
Một giấc ngủ ngon mỗi đêm là vô cùng quan trọng không chỉ cho sức khỏe thận của bạn.

Ngủ không đúng cách cũng có thể gây xơ vữa động mạch, hoặc xơ cứng và tắc nghẽn động mạch. Tình trạng này có thể dẫn đến huyết áp cao có thể làm quá tải thận và gây suy thận theo thời gian.

Tập luyện quá sức

Tập luyện quá sức có thể gây tiêu cơ vân, một tình trạng khi cơ bắp của bạn bị thương và những chất hoại tử sẽ được giải phóng vào máu của bạn. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng bao gồm suy thận. Nếu bạn đã luyện tập thể thao quá sức và có cả hai triệu chứng đau cơ và nước tiểu sậm màu, bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Tự ý dùng thuốc

Việc tự ý dùng thuốc và dùng thuốc sai cách có thể dẫn đến tổn thương thận, suy thận. Một số loại thuốc có thể gây tổn thương thận khi dùng dài ngày với liều lượng không thích hợp như: thuốc chống viêm như aspirin hoặc ibuprofen,  thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside, thuốc kháng lao, hoá chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc...

Vì vậy, bạn cần được sử dụng thuốc đúng cách theo hướng dẫn hay kê đơn của bác sĩ. Để phòng tránh bệnh suy thận, không nên tuỳ ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Cùng chuyên mục