Thứ hai, 13/02/2023, 11:48 (GMT+7)

Nhân viên văn phòng mất gần 50 triệu đồng cho “việc nhẹ lương cao” từ cộng đồng tuyển dụng

Thanh Phương (Tiếp thị và Gia đình)

Tình trạng lừa đảo diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là trên những nền tảng mạng xã hội. Số tiền lừa đảo thậm chí có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng và gây ra những hệ lụy tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe của mỗi người.

Mất gần 50 triệu đồng cho “việc nhẹ lương cao”

1-(3)
Sập bẫy chiêu trò "việc nhẹ lương cao"

Bạn Thu Hồng (25 tuổi) hiện đang làm vị trí Content Marketing cho một công ty truyền thông với mức lương khoảng 12 triệu đồng. Với mong muốn kiếm thêm tiền để mua chiếc điện thoại mới, cô bạn đã quyết định lên các cộng đồng tuyển dụng để tìm thêm công việc parttime.

Rất nhanh chóng, Hồng đã nhận được lời mời làm việc của một nền tảng chuyên đánh giá các sản phẩm. Công việc chỉ đơn thuần là xem các clip sản phẩm và đánh giá thật hay, thời gian cho công việc này chỉ khoảng 2-3 tiếng/ ngày với số tiền kiếm được có thể lên tới 1 triệu đồng, thậm chí đánh giá càng nhiều thì tiền lương càng cao.

2
Tin nhắn mời làm việc online của đối tượng lừa đảo

Tuy nhiên, để nhận được công việc này, Hồng phải mở tài khoản và nạp vào đó 500.000VNĐ. Với mức lương cao và công việc dễ dàng, Hồng đã đồng ý làm theo. Trong suốt 1 tuần sau đó, ngày nào cô nàng cũng chăm chỉ viết hàng trăm đánh giá và nhận được mức thu nhập lên tới 10 triệu đồng.

Đến lúc này, các đối tượng lừa đảo chia sẻ rằng thấy Hồng làm rất được việc nên muốn đề bạt lên vai trò trưởng nhóm với mức lương cứng đã khoảng 20 triệu đồng. Thế nhưng, để lên được chức trưởng nhóm, Hồng phải nâng cấp tài khoản lên VIP bằng cách để trong tài khoảng số tiền 30 triệu đồng.

“Lúc ấy mình không do dự, nạp ngay tiền vào vì nghĩ cũng chỉ để tạm và rút ra bất cứ lúc nào. Không ngờ rằng khi vừa nạp tiền thành công thì cũng là lúc tài khoản bay màu, mình cũng không liên lạc được với những người quản trị viên”, Hồng nghẹn ngào.

Mặc dù đã tìm đủ mọi cách, thế nhưng các đối tượng đã biến mất không dấu vết, ngoài cô nàng ra cũng có rất nhiều người khác bị lừa đảo như vậy.

Tiền mất tật mang

2
Các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt trong các hình thức lừa đảo.

Sau khi bị lừa đảo, Hồng rơi vào trạng thái u uất và trầm cảm nhẹ. Cô nàng đã phải tìm đến các bác sĩ tâm lý để được điều trị.

Không chỉ riêng Hồng, rất nhiều bạn trẻ cũng bị “sập bẫy” lừa đảo khi tham gia đầu tư online siêu lợi nhuận. Với lợi nhuận hấp dẫn được rút ra mỗi ngày và tâm lý hiếu thắng, có những bạn trẻ đã mất đến hàng trăm triệu đồng.

Đa phần những người bị lừa đảo đều là các bạn trẻ với độ tuổi từ 20 – 30 tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên khi rơi vào tình trạng này tâm lý thường bất ổn và mất kiểm soát. “Lúc đó mình thật sự tuyệt vọng, cảm giác muốn buông xuôi mọi thứ. Mình liên tục mất ngủ và chỉ nhốt mình trong phòng”, Hồng cho biết.

Trên thực tế, không hiếm những trường hợp sau khi bị lừa đảo đã không còn thiết tha với cuộc sống và đưa ra lựa chọn cực đoan nhất. Đây là nỗi xót xa, đau đớn của không chỉ riêng mỗi gia đình mà còn của toàn xã hội.

Nâng cao cảnh giác, chớ vội tin tưởng

Sau những sự việc đáng tiếc đã kể trên, việc nâng cao cảnh giác của mỗi cá nhân chính là vũ khí sắc bén đối với mọi chiêu trò lừa đảo. Đặc biệt, mỗi người đều cần trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm sống để chủ động nhận biết và phòng tránh những hình thức lừa đảo.

Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý, các bạn trẻ cần nhìn nhận thẳng vào những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống bởi cuộc sống không màu hồng và không việc gì là dễ dàng. “Việc nhẹ lương cao” hay “không làm mà vẫn có ăn” là những điều chỉ có trong giấc mơ, còn thực tế cuộc sống sẽ rất gian nan và khó khăn.

Cùng chuyên mục