Chủ nhật, 12/03/2023, 08:46 (GMT+7)

Cho con quyền được mất mát

Dù thương con đến đâu, cha mẹ cũng không nên tước đi quyền được khổ, được hứng chịu cảm giác mất mát của con.

Phật đạo cho rằng “đời là bể khổ”. Nói cách khác, nỗi khổ như một nguyên lý không thể thiếu của cuộc đời.·Vì phần lớn cha mẹ khổ nên ai cũng muốn con mình không phải khổ giống như mình nữa. Nhưng đó cũng là một trong những điều khiến con dễ bị tổn thương, dễ gục ngã hơn khi đối diện với thực tế cuộc đời.

Không ít bậc cha mẹ muốn bao bọc con trong vòng tay của mình. Họ cho rằng, làm như vậy, con họ sẽ được sung sướng. Thậm chí, họ cảm thấy tự hào khi con mình không phải chịu những nổi khổ như “con nhà người ta”. Sự bao bọc ấy xuất phát từ tình thương con. Nhưng thương con thì cũng cần thương đúng cách. Qua bao bọc con lúc nhỏ có thể giúp con né được khổ của hiện tại nhưng lại khiến con phải hứng chịu rất nhiều tổn thương, mất mát khi con phải đối mặt trực tiếp với cuộc đời trong tương lai.

Hãy thử làm một thí nghiệm: Cho một bàn tay vào nước đá và một bàn tay vào nước ấm khoảng năm phút. Sau đó đưa cả hai tay vào một chậu nước nóng vừa. Chắc chắn, bàn tay cho vào nước đã lúc này sẽ cảm thấy rất nóng, trong khi đó, bàn tay cho vào nước ấm sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều. Cũng như vậy, con người cần có thời gian và sự luyện tập để có thể thích nghi với sóng gió của cuộc đời.

con kho
cha mẹ không nên bao bọc con quá nhiều (Ảnh minh họa)

Không ít  gia đình ngày nay không giàu có nhưng lại nuôi con theo cách của người giàu. Họ bao bọc, chu cấp và chấp nhận toàn bộ mọi yêu cầu của con để chúng được vui vẻ. Đó là một sai lầm. Trẻ cũng có những vấn đề của mình. Hãy để con đối diện với những khó khăn, vất vả của chính mình. Dạy con làm việc nhà, làm việc (trong phạm vi cho phép) giúp bố mẹ, tự tìm cách giải quyết những rắc rối với bạn bè, anh chị em... Mỗi lần đối diện với những khó khăn ấy, con sẽ trưởng thành hơn. 

Nếu cả tuổi thơ, con không biết thế nào là khổ, không biết thế nào là mất mát thì khi ra đời, con sẽ bị choáng ngợp. Khi đó, chỉ cần một nỗi khổ rất nhỏ hay một mất mát cỏn con cũng làm con bị suy sụp. Sự mất mát và đau khổ lúc ấy sẽ tăng lên hàng trăm lần. Nhà văn người Mỹ - William Arthur Ward cho rằng: “Người khôn ngoan là người học được những sự thật này: Rắc rối là tạm thời. Thời gian là thuốc bổ. Khổ đau là ống nghiệm.” Hãy để con trải nghiệm với những nỗi khổ đau để con rèn luyện sự kiên trì, lòng quyết tâm và khát khao vươn lên trong cuộc sống.

Càng thương con, cha mẹ càng không được sợ con khổ. Bởi cái khổ đó rất tốt cho sự phát triển tâm, lực của con. Một trong những điều vô cùng quan trọng nữa là khi con đã trải nghiệm nỗi khổ, con sẽ dễ dàng đồng cảm hơn với người khác. Nhờ đó, trí tuệ cảm xúc của con trở nên phong phú hơn. Đây chính là yếu tố quan trọng để con có được những thành công trong tương lai.

Chánh án tòa án tối cao Mỹ John Roberts phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của con trai năm 2027 khiến hàng tỉ người tấm tắc: "Thông thường người ta sẽ chúc các con may mắn và mọi điều tốt đẹp trong tương lai. Ta sẽ không làm thế. Từ giờ về sau ta hy vọng con sẽ bị đối xử bất công, bởi chỉ có thế con mới cảm nhận được giá trị của sự công bằng. Ta hy vọng con có thể nếm trải một chút mùi vị của sự phản bội, bởi như vậy con mới lĩnh hội được tầm quan trọng của sự chân thành...".

John Roberts
Ông John Roberts - Chánh án tòa án tối cao Mỹ mong con bị đối xử bất công để hiểu hơn về giá trị của sự công bằng (ảnh Wiki)

Có đau khổ, con người mới hiểu được giá trị của hạnh phúc. Đại văn hào người Pháp Alexandre Dumas cho rằng: “Chỉ người đã trải qua nỗi đau khổ tột cùng mới có khả năng cảm nhận hạnh phúc tột cùng.” Không cho con nếm trải nỗi khổ đồng nghĩa với việc cha mẹ tước đi của con cảm giác hạnh phúc tột cùng ấy.

Tuy nhiên, chính bản thân cha mẹ cũng cần đối diện với những mất mát, đau khổ. Một trong những mất mát ấy chính là việc hiểu rằng con cái không phải là tài sản của mình. Con có cuộc đời của con nên hãy để con sống cuộc đời của chúng. Cha mẹ hết lòng vì con nhưng đừng bao giờ mong chờ rằng con sẽ vì mình mà làm tất cả. Hãy để con có cuộc đời của riêng mình và vì thế đừng đánh cắp cơ hội được trải nghiệm và rèn luyện những khổ đau, mất mát của con.

Để con trải nghiệm nỗi khổ không có nghĩa là cứ mặc kệ con muốn xoay sở thế nào thì xoay sở. Trong quá trình rèn luyện, con rất cần sự trợ lực của cha mẹ khi nỗi khổ vượt quá sức chịu đựng của con. Muốn giúp con, trước hết cha mẹ cũng cần tự sửa mình để trở nên mạnh mẽ hơn. Bản thân cha mẹ cũng ngại khổ, ngại vất vả, tâm lực cũng yếu thì làm sao có thể giúp con trưởng thành được.

Theo thời gian, con cái sẽ bước ra khỏi vòng tay của cha mẹ.Vì vậy, hãy chuẩn bị một tâm lực thật vững chãi để con sẵn sàng đối diện và vượt qua những trắc trở, khó khăn của cuộc đời.

Cùng chuyên mục