Thứ năm, 30/03/2023, 14:47 (GMT+7)

Mức xử phạt vi phạm quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet và Tensicare

Mai Anh (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Mới đây, Bộ Y tế đã cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet và Tensicare quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên một số website, trang mạng xã hội bao gồm:

https://www.buy24h.click/tensicare/?gclid=CjwKCAjwq-WgBhBMEiwAzKSH6AXm3fppCHIVVJKJMoGhEQ5xCDx3dlSxDhorSct5MaV7h2udlQv6ixoCiuAQAvD_BwE

https://www.tensicare.vn/

https://trungtamthuoc.com/tensicare

https://bacsiphukhoa.webflow.io/bai-viet/vien-sui-tensicare

https://yduoctaman.com.vn/tensicare/

https://www.suanutrizabet.com/

https://www.tieuduongnutri.click/gg?gclid=EAIaIQobChMIjMyDoYv0_QIVtplmAh1WIQTjEAAYAiAAEgKhnPD_BwE

https://www.suanutrizabet.com/

đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tensicare vi phạm quy định của pháp luật, quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, không đúng nội dung cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, trong khi thực tế đây chỉ là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 

Quang-cao-TPCN
Cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet và Tensicare vi phạm luật quảng cáo

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tensicare do CÔNG TY TNHH NATURE ORIGIN (Địa chỉ trụ sở chính: Số 152 Nguyễn Hữu Thọ, Xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam) công bố, đăng ký nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet do CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ TCG VIỆT NAM (Địa chỉ: Tầng 1, số 44 Nguyễn Viết Xuân, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) công bố, đăng ký nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Theo đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet được quảng cáo là một loại sữa hạt hỗ trợ người bệnh tiểu đường, còn Tensicare để ngăn ngừa tăng huyết áp. Hiện, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý vụ việc. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Trường Lộc, cho biết: Quảng cáo sai sự thật là hành vi do một cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động quảng cáo nhưng nội dung của quảng cáo lại không đúng với sự thật, có khả năng gây ảnh hưởng đến cá nhân hoặc tổ chức khác, là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 quy định các hành vi bị cấm, gồm: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Theo quy định tại Điều 11, Luật Quảng cáo năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018:

Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Khi phát hiện hành vi quảng cáo sai sự thật, người bị hại tố cáo đến Sở Tuyền thông Thông tin, tố giác đến cơ quan điều tra, nếu như bị thiệt hại do hành vi quảng cáo sai sự thật có yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Hành vi quảng cáo sai sự thật bị xử lý theo quy định tại khoản 5, Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ – CP, ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, quy định “Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này”.

Cá nhân thực hiện đăng quảng cáo ở các nền tảng trên mạng internet để quảng cáo sản phẩm không đúng với công dụng, nội dung mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Đối với các tổ chức có hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt quy định đối với cá nhân.

Cá nhân tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo hoặc buộc tháo dỡ biển hiệu; Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân; Buộc hoàn lại số tiền có được do thực hiện hành vi vi phạm. 

Hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý hình sự đối với cá nhân tái phạm. Theo quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015:

“Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm...

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Trường Lộc.

Cùng chuyên mục