Thứ năm, 05/01/2023, 16:05 (GMT+7)

Lì xì Tết như thế nào cho đúng cách?

Lì xì là một nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Tuy nhiên, việc trao và nhận lì xì thế nào cho đúng tinh thần vốn có của nó thì không phải ai cũng biết.

Lì xì (利市) là phiên âm của từ "lợi thị" trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là đồng tiền đem lại may mắn, điều lành, điều tốt cho mọi người, nhất là trẻ em trong dịp đầu năm.

Tiền lì xì có nguồn gốc từ đâu?

Lì xì Tết xuất hiện từ rất lâu ở Trung Quốc. Theo đó, có nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh nguồn gốc của tiền lì xì.

Một số lưu ý khi tặng và nhận lì xì

Điều cấm kỵ khi tặng tiền lì xì

1. Tiền lì xì nên tránh số 4

Trong dân gian “sinh, lão, bệnh, tử” thì số 4 tương ứng với “tử”, biểu trưng cho những điều không may mắn vì vậy cần tránh lì xì số tiền có số 4 như 40.000 VNĐ, 400.000 VNĐ…

2. Không lì xì tiền lẻ

Số lẻ vốn được xem là biểu tượng cho sự không đầy đủ, trọn vẹn. Vì vậy bạn nên để vào bao lì xì số tiền chẵn.

Theo quan điểm của hầu hết mọi người "điều tốt luôn đi đôi", điều đó cũng có nghĩa là số chẵn là tượng trưng cho những con số tốt lành. Do vậy, tiền đặt trong bao lì xì phải là số chẵn.

Những năm gần đây, thay vì lì xì theo những số chẵn 50.000 đồng,100.000 đồng,... thì nhiều người hiện nay thích lì xì theo những con số may mắn. Chẳng hạn như số 6 có nghĩa là "Lộc" hoặc số 8 có nghĩa là "Phát" – làm ăn phát đạt; hay số 10 có nghĩa là hoàn hảo,....

li-xi-dungcach-tiepthigiadinh-1
Sử dụng tờ tiền chẵn để lì xì lấy lộc đầu năm. Nguồn: bankingplus.vn

Một vài con số khác như:

168 có ý nghĩa là "Phát lộc phát tài"

188 có số 8 tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc. Số 188 lặp lại số 8 hai lần ý bảo "Mau chóng phát lộc phát tài".

1001 là "độc nhất vô nhị", muốn bảo người nhận lì xì là duy nhất, không ai có thể thay thế.

3.Tiền lì xì phải là tiền mới, không được là tiền cũ

Dân gian cho rằng tiền cũ được đặt trong bao lì xì sẽ mang lại âm khí xấu và những điều không tốt đẹp của một năm đã qua. Đồng thời cũng nên dùng bao lì xì mới, nội dung lời chúc phù hợp với người nhận, không qua loa, đại khái. Nhiều người có thói quen giữ lại phong bao lì xì cũ để tái sử dụng vào năm sau. Đó là nguyên nhân của những câu chuyện dở khóc, dở cười như năm đó là năm con khỉ mà có thể bạn nhận được phong bao con ngựa, thậm chí còn in hẳn số năm rõ ràng. Việc làm ấy thể hiện sự thiếu tôn trọng khi bạn đem đồ cũ tặng trong năm mới, cũng như không coi trọng người nhận.

4. Số tiền lì xì cho trẻ con phải đồng nhất

Để tránh dẫn đến trường hợp trẻ ăn vạ, so bì, tị nạnh và tranh cãi với nhau trong thời điểm đầu năm mới, ta nên đặt trong bao lì xì số tiền giống nhau cho con trẻ.

li-xi-dungcach-tiepthigiadinh-2
Nhiều đứa trẻ ganh tị với nhau vì nhận tiền lì xì không đều. Nguồn: Internet

5. Nên dùng bao lì xì màu đỏ và vàng

Nhắc đến Tết là ta nhớ ngay tới hoa đào, hoa mai với những sắc đỏ, hồng, vàng rực rỡ. Cũng vì thế mà bao lì xì với những màu sắc đặc trưng như ấy được nhiều người ưa chuộng. Bao lì xì đỏ là biểu tượng cho sự kín đáo theo quan niệm của dân gian. Tuy nhiên hiện nay, điều này đã được tiếp nhận cởi mở hơn khi hiện nay đã có nhiều mẫu bao lì xì đẹp mắt trên thị trường.

li-xi-dungcach-tiepthigiadinh-3
Mẫu mã bao lì xì phù hợp với nhiều đối tượng. Nguồn: incure.com

6. Bao lì xì phải được dán kín

Dân gian quan niệm, bao lì xì luôn được dán kính để không ai biết được chính xác số tiền trong đó. Theo quan điểm của phương Đông, việc làm ấy trước hết là thể hiện phép lịch sự; hơn nữa là tránh những sự so bì giữa mọi người, nhất là trẻ con với nhau. Đây là một sự tinh tế mà đôi khi chúng ta không lưu tâm khi trao tiền lì xì.

Một số lưu ý khi nhận tiền lì xì

1. Tránh mở phong bao lì xì trước mặt người tặng

Trong văn hóa Á Đông, mở bất cứ món quà nào trước mặt người tặng cũng được coi là thiếu lịch sự. Tương tự như vậy, khi nhận bao lì xì, ta nên tránh việc mở trước mặt người tặng. Đồng thời, mỗi chúng ta, nhất là trẻ em, cần có thái độ trân trọng, mừng rỡ biết nói lời cảm ơn và chúc Tết người lì xì mình.

2. Không nhận tiền lì xì bằng một tay

Với người nhận tiền lì xì, dù người trao là người lớn hay nhỏ hơn đều nên nhận bằng hai tay để bày tỏ sự tôn trọng với người tặng.

3. Có thái độ kính cẩn, nói lời cảm ơn khi nhận tiền lì xì

Khi nhận tiền lì xì, ta nên có thái độ trân trọng và nói lời cảm ơn. Điều đó sẽ giúp người lì xì cảm thấy "mát lòng mát dạ". Quan trọng hơn hết, chúng ta hãy nhớ rằng: Lì xì Tết là một tục lệ tốt đẹp của người Việt Nam với mong muốn mang lại sự sung túc, niềm vui, sự may mắn cho nhau. Vì thế, ta không nên quá xem trọng việc bao lì xì đó "nặng - nhẹ"

4. Không vòi vĩnh tiền lì xì

Việc vòi vĩnh tiền lì xì từ ông bà, cha mẹ hay người thân là bất kính cùng với đó là làm mất đi ý nghĩa truyền thống của tục lệ nhận tiền lì xì ngày đầu năm.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục