Thứ ba, 31/01/2023, 11:20 (GMT+7)

Lễ hội núi Bà Đen - biểu trưng tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Đông Nam Bộ

(Tiepthivagiadinh) - Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những nét nổi bật của tín ngưỡng dân gian. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ thờ Linh Sơn Thánh Mẫu hay còn được gọi bằng cái tên dân dã là Bà Đen (bà Đênh).

Bài viết này thuộc series Tết Nguyên đán 2023

Xem thêm

Lễ hội núi Bà Đen là một trong những biểu tượng cho Tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân vùng Đông Nam Bộ. 

Sự tích về núi Bà Đen

le-hoi-nui-ba-den-tiepthivagiadinh-4
Núi Bà Đen được coi là điểm hành hương linh thiêng tại Nam Bộ

 

Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, viết vào đầu thế kỷ XIX, mô tả ngọn núi này “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây mù, tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”. 

Núi Bà Đen được coi là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế. Núi cao 986 mét, tọa lạc tại huyện Dương Minh Châu và là biểu tượng của mảnh đất và con người Tây Ninh.

Truyền thuyết kể rằng nàng Đênh  – một người con gái là con của một ông quan tri huyện ở vùng Trảng Bàng, nàng có nước da ngăm đen. Từ nhỏ nàng đã có lòng mộ đạo, thường hay lên chùa để lễ phật. Một lần nọ, nàng Đênh khi đang trên đường lên núi thì bị cọp vồ. Linh hồn của nàng báo mộng cho nhà sư tu ở chùa Linh Sơn. Sau đó, nhà sư đã đi tìm xác của nàng. Sau khi tìm được thì làm lễ mai táng, lập điện thờ phụng ở Điện Bà.

Khu di tích núi Bà Đen được hình thành từ khi nào? 

le-hoi-nui-ba-den-tiepthivagiadinh-5
Lễ khai mạc hội Xuân núi Bà Đen 2023

Theo các nguồn tài liệu mà tác giả tiếp cận được thì khu di tích núi Bà Đen được xây dựng khoảng từ cuối thế kỷ XIX (năm 1872), khi ấy chỉ có miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu được xây dựng rất đơn sơ. “Trong ghi chép của Trịnh Hoài Đức ở cuốn Gia Định Thành thông chí vào đầu thế kỷ XIX thì ở trên núi Bà Đen chỉ có chùa Linh Sơn (hay Vân Sơn tự), tức tiền thân của Linh Sơn Tiên Thạch tự hiện nay, mà không thấy ông nhắc đến miếu thờ bà Đen. 

Chắc chắn miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trên núi Bà Đen được biết đến nhiều hơn qua truyền thuyết vua Gia Long được bà báo mộng cứu giúp khi còn tranh chấp với quân Tây Sơn trong những năm cuối thế kỷ XVIII, nên để tri ân bà, vua Gia Long khi lên ngôi đã cho người đúc tượng bà bằng đồng đen để thờ và sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu. Vì thế, có thể điện bà được xây dựng khang trang hơn vào những năm cuối thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn trị vì; rồi kể từ đó đến nay người ta đã nhiều lần trùng tu điện Bà, cùng chùa Linh Sơn Tiên Thạch và xây dựng thêm nhiều chùa chiền, miếu điện thờ tự hỗn hợp nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng khác nhau trên núi Bà Đen…”

Ngoài ra, phía sau nơi thờ tự chính của Bà, ở trên cao người ta còn thiết kế một pho tượng Phật nằm (hay con gọi là “Phật nhập Niết Bàn”) bằng đá khá lớn, toàn thân trắng toát. Về Điện Bà, thực chất được dựng lên từ một mái hang đá, phần ngoài được xây thêm rộng rãi. 

Một số lễ hội truyền thống tại núi Bà Đen 

Lễ hội núi Bà Đen

- Hội Xuân núi Bà Đen 

le-hoi-nui-ba-den-tiepthivagiadinh-6
Lễ khai mạc Hội xuân núi Bà Đen năm 2023

Sau T​ết Nguyên đán, tiết xuân mát mẻ, du khách từ bốn phương  kéo về Núi Bà ở Tây Ninh mở hội xuân. Bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng giêng, Núi Bà trở nên đông vui tấp nập và kéo dài trong suốt tháng giêng. Một số du khách là những người du xuân đến Núi bà để chiêm ngưỡng lễ hội cũng như thiên nhiên xinh đẹp của Núi Bà, nơi đỉnh núi có mây phủ quanh năm, nên còn gọi là "Vân Sơn". Trong dịp này những người hành hương về Núi Bà, thường xin những gói giấy đỏ trong đựng một nhúm gạo, hoặc tiền lẻ coi như xin lộc Bà đầu năm để làm ăn phát lộc, phát tài.

Hội xuân núi Bà Đen 2023 sẽ kéo dài đến hết tháng Giêng. Đây được xem là lễ hội lớn được người dân Tây Ninh chờ đón trong năm. Trong khuôn khổ Hội xuân sẽ diễn ra nhiều nghi thức trang nghiêm bày tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu thiêng liêng, nơi du khách thập phương tấp nập ghé đến để cầu cho một năm mới bình an, sung túc. 

Lễ khai mạc Hội xuân núi Bà Đen năm 2023 diễn ra từ ngày 25/1 (mùng 4 Tết) tại Sun World Ba Den Mountain. Sự kiện do UBND tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Sun Group phối hợp tổ chức, kéo dài từ mùng 4 Tết đến hết 7/2 (16 tháng Giêng). 

le-hoi-nui-ba-den-tiepthivagiadinh-7
Cụm Cột Kinh Bát Nhã cao 19,8m bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc tâm kinh Bát Nhã bằng chữ Tây Tạng. 

Tại đây, du khách được mục sở thị biểu tượng mới của miền biên viễn - Cụm Cột Kinh Bát Nhã cao 19,8m bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc tâm kinh Bát Nhã bằng chữ Tây Tạng. 

- Lễ hội truyền thống động Kim Quang (tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch). 

Được duy trì liên tục hàng năm (từ năm 1983 đến nay) nên lễ hội động Kim Quang đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của địa phương huyện Hoà Thành nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung. Trong kháng chiến chống Mỹ, Huyện uỷ và Huyện đội Toà Thánh đóng tại động Kim Quang, một động đá lớn nằm về phía Tây Nam sườn núi Bà Đen, ở độ cao khoảng 150m. Lễ hội động Kim Quang còn là dịp để tuổi trẻ Hoà Thành được ôn lại truyền thống cách mạng, tưởng nhớ công lao của các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

- Lễ vía Bà Đen: được tổ chức vào các ngày mùng 4,5,6 tháng 5 âm lịch.

le-hoi-nui-ba-den-tiepthivagiadinh-8
Lễ vía Bà Đen

Vào lúc không giờ đêm mùng 3 rạng mùng 4, lễ tắm Bà được tổ chức trang nghiêm tại đền thờ. Lúc này cửa điện được đóng kín, không có khách bên ngoài tham dự. Điều hành lễ tắm Bà là một phụ nữ cao tuổi. Tắm xong, người ta mặc áo mới cho Bà, rồi lần lượt lạy bà. Trong suốt ngày chính hội, từ sáng tinh mơ đến 8 giờ tối, khói hương cháy nghi ngút trên bàn thờ Linh Sơn Thánh Mẫu và Bà Chúa Xứ, bàn thờ Phật, bàn thờ hộ Pháp, bàn Giám Trai, bàn ông Tiêu.

Lễ hội của Đạo Cao Đài Tây Ninh

le-hoi-nui-ba-den-tiepthivagiadinh-7
Lễ hội cùa Đạo Cao Đài Tây Ninh

Hai lễ lớn tiêu biểu là lễ Vía Đức Chí Tôn (mùng 8 tháng Giêng âm lịch) và lễ hội Diêu Trì Thánh mẫu (rằm tháng 8 âm lịch). Bên cạnh những nghi thức dâng hương, cúng lễ, đọc kinh theo tập tục của đạo Cao Đài trong những ngày lễ, các nghệ nhân còn tổ chức các cuộc biểu diễn nghệ thuật, múa hát, đưa rước. Đáng chú ý là nghệ thuật múa Tứ Linh (múa rồng, múa lân, quy, phụng) trong các cuộc lễ như trong đám rước. Những ngày lễ trọng ngày không chỉ quy tụ tín đồ đạo Cao Đài và dân chúng Tây Ninh, mà còn có không ít các tín đồ Cao Đài trong cả nước du khách ở Nam bộ cũng về dự lễ.

Lễ hội truyền thống động Kim Quang (tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch).

Được duy trì liên tục hàng năm (từ năm 1983 đến nay) nên lễ hội động Kim Quang đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của địa phương huyện Hoà Thành nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung. Trong kháng chiến chống Mỹ, Huyện uỷ và Huyện đội Toà Thánh đóng tại động Kim Quang, một động đá lớn nằm về phía Tây Nam sườn núi Bà Đen, ở độ cao khoảng 150m. Lễ hội động Kim Quang còn là dịp để tuổi trẻ Hoà Thành được ôn lại truyền thống cách mạng, tưởng nhớ công lao của các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Lễ giỗ Quan Lớn Trà Vong: được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 2 âm lịch hằng năm

le-hoi-nui-ba-den-tiepthivagiadinh-9
Lễ giỗ Quan Lớn Trà Vong

Nhiều nơi tổ chức cả hát bội và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nghi thức lễ giỗ ba anh em Quan Lớn Trà Vong gần giống như lễ hội đình ở Nam Bộ và trong khu vực Tây Ninh. Lễ vật dâng cúng chủ yếu là các thức ăn mặn, heo, gà, hương, hoa, đèn nến... Có chủ tế và các lễ sinh cũng như có ban cổ nhạc tham dự tấu các bản nhạc dân tộc khi hành lễ. 

Ý nghĩa lễ hội núi Bà Đen

le-hoi-nui-ba-den-tiepthivagiadinh-10
Toàn cảnh núi Bà Đen

Hội xuân Núi Bà không chỉ là sự tự do tín ngưỡng tôn giáo. Nó còn biểu hiện đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời chuyển tải một cách dung dị những ước mong của đại chúng. Đó là mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Trên bước đường mở cõi về phương Nam, hành trang mang theo của lớp cư dân Việt không đơn thuần chỉ là những nỗi niềm, những khát khao về sự mưu cầu hạnh phúc, ấm no vùng đất mới, mà hơi nữa, đó còn là những giá trị văn hóa tinh thần đầy tính nhân văn chốn quê hương. Sự hiện sinh của vị Mẫu thần “Linh Sơn Thánh Mẫu” chính là một biểu hiện sống động cho “hành trang” ấy của cộng đồng người Việt. Ở vị Mẫu này, không chỉ ẩn chứa trong đó những giá trị nhân sinh mà xa hơn nữa còn là biểu hiện cho tinh thần đoàn kết của các cộng đồng tộc người khác; hay nói khác đi, vị Mẫu thần này chính là một sản phẩm chung trong tư duy, nhận thức về thế giới quan của hai chủ thể người Việt – Khmer. Nó đã, đang và sẽ là một nét đẹp trong sinh hoạt tâm linh của toàn bộ người dân vùng đất mới Nam Bộ.

Cùng chuyên mục