Thứ tư, 29/03/2023, 05:30 (GMT+7)

Hà Nam - vùng đất Phật với những ngôi chùa nổi tiếng

(Tiếp thị Gia đình) - Tới Hà Nam, du khách có thể chiêm bái những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Tam Chúc, chùa Bà Đanh hay thưởng thức cá kho làng Vũ Đại, gắn liền với truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm

Tỉnh Hà Nam nằm cách Hà Nội khoảng 60km về phía nam, thời tiết tại đây không có quá nhiều khác biệt so với thủ đô. Bạn có thể ghé thăm Hà Nam vào cả bốn mùa trong năm, nhưng có lẽ mùa xuân (mùa lễ hội) kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm sẽ là thời điểm phù hợp để bạn có thể tham quan những ngôi chùa và tận hưởng không khí lễ hội cùng người dân địa phương. 

Hà Nam nằm trên con đường quốc lộ 1A, nên để di chuyển đến đây bạn có thể dùng phương tiện cá nhân. Ngoài ra bạn còn có thể chọn xe buýt tuyến Hà Nội - Phủ Lý, hay xe khách Hà Nam... chỉ mất khoảng gần một tiếng đồng hồ.

Hiện nay Hà Nam được chú trọng đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh. Chính vì vậy, khi đến khám phá mảnh đất này chúng ta không thể bỏ qua những địa điểm như: khu du lịch Tam Chúc, chùa Bà Đanh, Địa Tạng Phi Lai Tự…

Những địa điểm du lịch không nên bỏ qua khi tới Hà Nam 

Chùa Bà Đanh 

ha-nam-tiepthigiadinh-1
Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh còn được gọi là Bảo Sơn tự, nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng. Từ thị xã Phủ Lý, qua cầu Hồng Phú, theo đường 21, đến cây số 7, qua cầu Quế, đi thêm 2km là đến chùa.

Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ Phật, song ở chùa Bà Đanh ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng của Thái Thượng Lão Quân, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có tượng của hệ thống Tứ Phủ vì chùa thờ Tứ Pháp. Sự tích Tứ Pháp với các bà mẹ Mây(Pháp Vân), Mưa (Pháp Vũ), Sấm (Pháp Lôi), Chớp (Pháp Điện) như là sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa đã được chép trong Truyện Man Nương của Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp, thế kỷ XIV, Vũ Quỳnh – Kiều Phú, 1492).

Nếu đến thăm quan, vãn cảnh chùa, du khách nên dành thời gian chiêm ngưỡng pho tượng Bà Đanh, được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.

Đền Trúc 

ha-nam-tiepthigiadinh-2
Ảnh: sưu tầm

Đền Trúc nằm trong khu danh thắng Đền Trúc-Ngũ Ðộng Thi Sơn, thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.

Từ Thị xã Phủ Lý, theo quốc lộ 21, đến cây số 8 (hoặc theo đường thủy thì cũng từ Phủ Lý, ngược thuyền sông Đáy 8km) là tới khu danh thắng và đền Trúc. Khu danh thắng này rộng khoảng 10 ha, có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, có núi non trùng điệp, rừng trúc nên thơ. Ðến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng muôn hình kỳ lạ của nhũ đá và nghe thấy những bản hòa tấu của gió, của đá trong một "sân khấu" thiên nhiên đầy huyền ảo.

Đền Lảnh Giang 

ha-nam-tiepthigiadinh-3
Ảnh: sưu tầm

Đền Lảnh Giang thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên bên bờ hữu ngạn sông Hồng, sát cạnh chân đê nối với các tỉnh Hà Tây, Hà Nội, Nam Định nên rất thuận tiện cho giao lưu bằng đường sông và đường bộ.

Đền Lảnh Giang thờ 3 vị tướng thời Hùng Duệ Vương. Căn cứ vào cuốn thần tích “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” (Sự tích ra đời của một vị thuỷ thần triều vua Hùng) cùng sắc phong câu đối, truyền thuyết của địa phương thì ba vị tướng này đều là con của Bát Hải Long Vương và nàng Quý. Khi giặc phương bắc kéo tới bao vây bờ cõi đánh chiếm nước ta, định cướp ngôi báu của Hùng Duệ Vương thì ba ông đã giúp vua Hùng đánh tan giặc giữ yên bờ cõi giang sơn.

Quần thể di tích danh thắng Đọi Sơn 

ha-nam-tiepthigiadinh-4
Chùa Long Đọi Sơn

Núi Đọi - sông Châu - biểu tượng thiên nhiên vượt trội, tiêu biểu của tỉnh Hà Nam, cũng như tháp Sùng Diện Thiên Linh xây dựng thời Lý dưới triều Lý Nhân Tông đã và đang lưu dấu trong sử sách, từ lâu xa gần biết tiếng.

Núi Đọi cùng với núi Đệp là hai ngọn núi đất đột khởi giữa đồng bằng cùng với núi An Lão (Quế sơn) ở xã An Lão, Bình Lục được tạo thành bởi vận động kiến tạo cách ngày nay khoảng 250 triệu năm. Ba ngọn núi, 3 ở phía bắc tỉnh và một ở phía nam tỉnh cùng với sông Châu, sông Ninh (có người nhầm là sông Đào). 

Quần thể danh thắng Tam Chúc 

ha-nam-tiepthigiadinh-5
Danh thắng chùa Tam Chúc

Quần thể danh thắng Tam Chúc có tổng diện tích gần 5000 ha, gồm hồ nước 1000ha; núi rừng tự nhiên 3000 ha; các thung lũng 1000 ha. Nơi đây có ngôi chùa lớn với cảnh quan hùng vĩ, có khu vườn Cột Kinh với 32 cột đá xanh mỗi cột nặng khoảng 200 tấn, cao 14m, chân cột hình đài sen, thân cột hình lục giác, đỉnh cột là hình nụ sen, thêm vào đó là các hình điêu khắc thủ công lời Phật dạy, tạo nên không gian hùng vĩ trước điện Quán Âm.

Những năm gần đây quần thể du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam đang nhận nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ cả nước. Thời điểm du lịch chùa Tam Chúc lý tưởng nhất là vào mùa xuân - những tháng đầu năm, thời điểm diễn ra các lễ hội, từ 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 Âm lịch, khí hậu mát mẻ, thêm vào đó, du khách có thể tham gia các hoạt động tín ngưỡng Phật Giáo tại đây.

Di tích lịch sử 

Ngôi nhà Bá Kiến 100 năm tuổi 

ha-nam-tiepthigiadinh-6
Ngôi nhà Bá Kiến với niên đại hơn 100 năm tuổi (Ảnh: sưu tầm)

Ngôi nhà của Bá Kiến, nhân vật có thật được cố nhà văn Nam Cao miêu tả trong tác phẩm “Chí Phèo” tọa lạc trên một khu đất rộng chừng 900m2 tại làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nay gọi là làng Vũ Đại. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1910 bởi bàn tay của 20 người thợ tài hoa làm nghề mộc ở phủ Lý Nhân trong suốt gần 1 năm. Chủ nhân đầu tiên của cơ ngơi này là một lái buôn giàu có - cụ Trần Duy Hạnh. 

Mang phong cách kiến trúc truyền thống của khu vực Bắc bộ, ngôi nhà được dựng theo kiểu 3 gian truyền thống, gồm 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim. Vào thời ấy, đây là ngôi nhà gỗ đặc biệt công phu mà khắp cả phủ Lý Nhân và các tỉnh lân cận không một nơi nào có. Tất cả gỗ trong nhà đều được làm bằng gỗ lim với các họa tiết chạm khắc chữ nho, hình rồng phượng đầy uy nghi, quyền thế trên các cột, kèo,…

Đặc sản 

Bánh cuốn Phủ Lý 

ha-nam-tiepthigiadinh-7
Ảnh: foody

Bánh cuốn Phủ Lý được tráng 2 lớp mỏng bằng bột gạo tám xoan. Người Phủ Lý làm ra 2 loại gồm bánh tráng mộc và bánh cuốn nhân mộc nhĩ để chiều lòng thực khách. Hành phi thơm lừng được rắc lên trên kích thích vị giác vô cùng. Bánh cuốn Phủ Lý được thưởng thức cùng chả lụa hoặc chả nướng.

Cá kho làng Vũ Đại

ha-nam-tiepthigiadinh-8
Ảnh: sưu tầm

Món cá kho niêu đất này theo chân người Việt đi khắp trong Nam, ngoài Bắc và được xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau. Cá kho làng Vũ Đại sử dụng nguyên liệu chính là cá trắm đen; thịt ba chỉ và các gia vị đồng quê. Mỗi niêu cá được kho trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Cá kho có màu nâu cánh gián bắt mắt, xương cá mềm nhừ, thịt cá chắc và không còn mùi tanh. 

Bún cá rô đồng 

ha-nam-tiepthigiadinh-8
Ảnh: sưu tầm

Nước dùng được ninh từ xương cá rô đồng đã được khử sạch mùi tanh bằng bí quyết riêng nên ngọt lịm, thơm lừng. Cá rô được sơ chế rồi rim cho ngấm gia vị, không mang chiên nên không hề ngấy. Bún cá rô được nấu cùng rau cải, rau ngót tùy theo mùa.

Gà Móng Duy Tiên 

ha-nam-tiepthigiadinh-8
Ảnh: sưu tầm

Gà Móng là loại gà có nguồn gen quý hiếm nhất nước ta và đã được ghi tên vào sách đỏ. Tuy nhiên đây cũng là giống gia cầm quý được phép nhân giống và nuôi. Người làng Móng đã có đến 30 năm kinh nghiệm nuôi và đưa tên tuổi của giống gà quý đến khắp mọi miền. Thịt gà Móng được giới sành ăn đánh giá là thơm ngon thượng hạng; da giòn không mợ; thịt chắc nhưng không khô.

Mắm cáy Bình Lục 

Món mắm cáy Bình Lục sau khi ra thành phẩm có màu cánh gián rất đẹp, vị thơm bùi của giềng, vị mặn mòi của muối và vị cay nóng của gừng… rất phù hợp với các món chấm hoặc chế biến như gia vị. 

Chuối ngự Đại Hoàng 

ha-nam-tiepthigiadinh-9
Ảnh: sưu tầm

Chuối Đại Hoàng rất kén đất, đặc tính chỉ phù hợp với dải đất ven sông Châu Giang chảy qua địa phận một số xã huyện Lý Nhân. Do vậy, quy trình trồng và chăm sóc loại chuối này cũng tốn nhiều công sức. Chuối có giá 30.000 - 50.000 đồng/ kg. 

Di chuyển 

Hà Nam nằm về phía cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội với thủ phủ là thành phố Phủ Lý. Nếu từ Hà Nội đi các tỉnh thành khác như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa thì rất có thể bạn phải đi qua địa phận Hà Nam.

Ngoài các phương tiện cá nhân, nếu chọn xe khách tới Hà Nam, bạn có thể tham khảo xe Sao Việt chạy từ 10h đến 21h30, giá vé 80.000 đồng, đi mất một tiếng. Lựa chọn rẻ hơn là xe Việt Trung và xe Thiên Trường, giá vé 50.000 đồng, đi mất 1,5 đến 2 tiếng. Muốn riêng tư và tiện nghi hơn, bạn nên đi limousine với giá 90.000 đồng một vé, có thể tham khảo xe thời đại 4.0 hoặc Cường Phát.

Ga Phủ Lý là một trong những ga trọng yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Giá vé từ 60.000 một người và thời gian di chuyển hơn 1 tiếng từ Hà Nội. Đi tàu đúng giờ và giá rẻ nhưng bất tiện về thời gian vì chỉ có những khung giờ cố định, song bạn có thể thong thả ngắm cảnh dọc đường và trải nghiệm cảm giác đi tàu hỏa.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục