Thứ ba, 28/03/2023, 05:30 (GMT+7)

Đặc sắc trải nghiệm văn hoá tâm linh và dân ca quan họ Bắc Ninh

Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với làn điệu dân ca quan họ mà nơi đây còn được coi là “cái nôi” của Phật giáo Việt Nam. Đến nay, những giá trị văn hoá, lịch sử vẫn được gìn giữ trở thành nhân tố phát triển du lịch địa phương.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm
bac-ninh-tiepthigiadinh-1
Ảnh: sưu tầm

Bắc Ninh được biết đến là địa phương truyền nhập Phật giáo sớm ở nước ta với trung tâm Phật giáo cổ xưa.

Theo ghi chép của một số thư tịch cổ (Hậu Hán thư, kinh Tứ thập nhị chương, Cao tăng truyện...), Trung tâm Phật giáo Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành) được hình thành từ khoảng giữa thế kỷ thứ II, có trước cả Trung tâm Phật giáo Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Quốc.

Sớm nổi tiếng, Trung tâm Phật giáo Luy Lâu thu hút nhiều người ở vùng lân cận đến tu học đạo Phật và trở thành những danh tăng nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo (đó là: Mâu Tử, Chi Cương Lương Tiếp, Khương Tăng Hội) và nhiều vị cao tăng Ấn Độ đến đây hành đạo (như: Ma Ha Kỳ Vực, Khâu Đà La, Tỳ Ni Đa Lưu Chi...).

Trung tâm Phật giáo Luy Lâu cũng là nơi đầu tiên ở nước ta có tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) và thờ Thạch Quang Phật, tạo nên điểm nhấn về sự hòa đồng giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. 

Thời điểm đến Bắc Ninh 

Từ tháng 1 đến tháng 3 là mùa lễ hội chùa Dâu, hội Lim, đền Đô,... phù hợp cho những người thích tìm hiểu về văn hoá, phong tục tập quán. Vào các tháng giữa năm, bạn có thể đến Bắc Ninh để trải nghiệm làng nghề và khám phá không gian tâm linh. 

Những địa điểm tham quan nổi tiếng tại Bắc Ninh 

Khám phá làng nghề tại Bắc Ninh 

Làng tranh Đông Hồ 

bac-ninh-tiepthigiadinh-3
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh ở làng tranh dân gian Đông Hồ. (Ảnh: Về làng)

Thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, làng tranh Đông Hồ là làng nghề cổ truyền đã được đề cử và công nhân là di sản phi vật thể. Đến đây du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những bức tranh sinh động hay những kiệt tác lâu đời của các nghệ nhân nổi tiếng, mà còn được tìm hiểu về quy trình làm tranh, tận mắt chứng kiến những người nghệ nhân vẽ tranh.

Làng gốm Phù Lãng 

bac-ninh-tiepthigiadinh-4
Ảnh: Lò gốm Phù Lãng

Gốm Phù Lãng có những sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu...mà người ta quen gọi chung là men da lươn. Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng với những hình khối đa dạng, phong phú. Với lịch sử làng nghề hơn 700 năm, gốm Phù Lãng đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Chính sự yêu nghề của người làm gốm, cộng hưởng sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống đã giúp gốm Phù Lãng khoác trên mình diện mạo mới nhờ những hoa văn trang trí sinh động, kiểu dáng phong phú.

Khám phá di tích văn hoá tâm linh 

Chùa Bút Tháp

bac-ninh-tiepthigiadinh-5
Ảnh: sưu tầm

 

Tại đây, bạn có thể chiêm ngưỡng nhiều pho tượng cổ và quý. Trong đó, nổi bật nhất là pho tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam, cao 2,35 m.

Trong chùa nhiều loại cây như hoa đại, hoa sen, mẫu đơn…đặc biệt là cau. Những hàng cau xanh ngắt trải dài thẳng tắp bên cạnh ngọn tháp tạo không gian thanh tịnh khiến ngày càng nhiều du khách đến đây.

Chùa Phật Tích 

bac-ninh-tiepthigiadinh-6
Chùa Phật Tích, Bắc Ninh (Ảnh: sưu tầm)

Nằm ở bên núi Vạn Phúc (xã Phật Tích, huyện Tiên Du), ngôi chùa xưa có tên là Vạn Phúc Tự - một trong những nơi được truyền bá Phật giáo sớm nhất từ Ấn Độ vào Việt Nam.

Từ Hà Nội, chỉ mất khoảng 20km, bạn đã có thể đặt chân đến đây, một di tích văn hóa tiêu biểu quốc gia với những cổ vật lớn của Phật giáo được lưu giữ. Ngôi chùa với không gian thanh tịnh, cổ kính như khiến bạn để lại hết ưu phiền của cuộc sống ở phía ngoài.

Du khách sẽ được chiêm bái nhiều tượng Phật lớn nhỏ, tượng Phật A di đà có niên đại từ thời nhà Lý làm bằng đá xanh nguyên khối cao 1,85m, được xem là tượng Phật bằng đá thời Lý cổ nhất miền Bắc. Trên đỉnh núi Phật Tích là bức tượng cao 27m được chạm khắc tinh xảo.

Ngoài ra, ngôi chùa còn sở hữu 5 cặp linh thú bằng đá lớn nhất Việt Nam; pho tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết; 32 bảo tháp (thế kỷ XVII – thế kỷ XX)…

Chùa Dâu 

bac-ninh-tiepthigiadinh-8
Ảnh: sưu tầm

Chùa Dâu là ngôi chùa Phật giáo cổ xưa nhất Việt Nam, có tên gọi khác là chùa Diên Ứng, nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành.

Chùa Dâu hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như là chùa Pháp Vân, chùa Diên Ứng, chùa Cả, đây là một trong số những ngôi chùa đẹp ở Bắc Ninh và được xem là ngôi chùa xưa cổ nhất ở Việt Nam. Ngôi chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm 4 dãy nhà được đặt thành hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính là Tiền Đường, Thiên Hương và Thượng Điện.

Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là các pho tượng thờ, ở gian giữa chùa đặt tượng Bà Dâu hay còn gọi là tượng nữ thần Pháp Vân cao 2m, hai bên tượng là tượng Kim Đồng và Ngọc nữ.

Ngày hội chính của chùa là ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch hằng năm, cứ vào ngày này, ngôi chùa lại đón tiếp đông đúc du khách gần xa đến tham quan và dự lễ hội.

Khu di tích Lệ Chi Viên 

Khu di tích thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình. Nơi đây thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Lệ Chi Viên còn gắn liền với vụ án oan nghiệt khiến đại công thần Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc vào năm 1442. Khu di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Trải nghiệm văn hoá dân ca quan họ - Hội Lim 

bac-ninh-tiepthigiadinh-2
Ảnh: sưu tầm

Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 đến 15 tháng giêng. Ngoài phần lễ trang trọng, phần hội mang đậm nét văn hoá dân gian như thi hát quan họ, trò chơi truyền thống...

Dân ca quan họ được hình thành khá lâu đời, do cộng đồng người Việt ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sáng tạo ra. 

Đặc sản 

Bánh khúc làng Diềm 

bac-ninh-tiepthigiadinh-7
Ảnh: sưu tầm

Bánh khúc làng Diềm là sự kết hợp giữa những nguyên liệu đơn giản như nếp cái hoa vàng, lá khúc, nhân bánh làm từ đậu xanh thịt mỡ. Một món bánh dân dã, mộc mạc mang hương vị béo bùi của nhân đậu xanh thịt mỡ, vị dẻo từ vỏ bánh sẽ khiến bạn nhớ mãi. 

Bánh phu thê Đình Bảng 

bac-ninh-tiepthigiadinh-8
Ảnh: sưu tầm

Bánh phu thê ở mỗi vùng miền đều có công thức, hương vị riêng, nhưng bánh phu thê gốc được cho là là ra đời ở Đình Bảng, Bắc Ninh. Bánh được gói với lá chuối, bên trong là nhân đậu xanh ngọt bùi. Theo quan niệm dân gian, lá màu xanh tượng trưng cho sự thuỷ chung, kết nối tình cảm phu thê mặn nồng. Vì vậy món bánh này không chỉ gây ấn tượng bởi hương vị thơm ngon mà còn bởi ý nghĩa sâu sắc, trở thành món quà được nhiều người lựa chọn để tặng người thân. 

Bánh tẻ làng Chờ 

bac-ninh-tiepthigiadinh-9
Ảnh: sưu tầm

Bánh tẻ làng Chờ là đặc sản của vùng đất Yên Phong. Để làm ra loại bánh tẻ mang hương vị đặc trưng này, bà con làng Chờ thường lựa chọn loại gạo tẻ có mùi thơm, độ dẻo vừa phải để làm nguyên liệu.

Cháo cá Tích Nghi 

bac-ninh-tiepthigiadinh-9
Ảnh: VnExpress

Món đặc sản Bắc Ninh này được nấu từ cá chép hoặc cá trắm. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt, nhừ của gạo ninh kết hợp với vị tươi ngon của cá và mùi thơm hoà quyện của các loại rau, đem đến sự hoàn hảo về hương vị. 

Nem làng Bùi 

bac-ninh-tiepthigiadinh-13
Ảnh: sưu tầm

Đây là món ăn truyền thống mang đậm nét ẩm thực Kinh Bắc, một trong những đặc sản Bắc Ninh không thể bỏ lỡ. Món nem với phần thính làm từ gạo rang xay nhuyễn, nhân thịt heo thơm ngon sẽ kích thích vị giác của tất cả thực khách. Nem làng Bùi thường được ăn kèm với lá sung, chấm cùng tương ớt để hương vị được trọn vẹn nhất. 

Di chuyển 

Bắc Ninh cách Hà Nội gần 40 km, thời gian di chuyển khoảng một tiếng. Đây là điểm đến thích hợp cho các hoạt động du lịch văn hóa dịp cuối tuần. Với người ở nơi xa, có thể kết hợp đến Hà Nội và Bắc Ninh trong cùng một chuyến đi. Phương tiện di chuyển từ Hà Nội khá thuận tiện, có thể bằng xe máy, ôtô riêng, taxi hoặc xe buýt.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục