Thứ hai, 08/05/2023, 10:19 (GMT+7)

Đã bố trí đủ gần 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở từ 1/7

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Chính phủ đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho chính sách tăng lương tối thiểu và cải cách tiền lương từ 1/7/2023.

Ngày 11/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.

Về nguồn kinh phí thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ đề xuất Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương. Hiện nay số tiền để 2023 tăng lương cho 6 tháng cuối năm là hơn 59.000 tỷ đồng. Trong đó, 12.000 tỷ đồng được lấy từ dự toán ngân sách Nhà nước 2023 và 47.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tăng lương, trong đó ngân sách Trung ương là 20.000 tỷ đồng, địa phương 27.000 tỷ đồng. 

tăng lương cơ sở
Ảnh minh họa

Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Nghị quyết 69 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua về dự toán ngân sách năm 2023. Trong các phụ lục của Nghị quyết 69 nêu rất rõ nguồn về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 đã nêu rõ nguồn chi cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội là 12.500 tỷ đồng.

Liên quan tiến độ xây dựng nghị định này, Bộ Nội vụ cho hay đã lấy ý kiến các bộ, ngành và người dân. Trong tháng 4 vừa rồi, bộ này đã gửi thẩm định và Bộ Tư pháp đã họp thẩm định. Trên cơ sở thẩm định bằng báo cáo, thẩm định bằng văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình các ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định và sẽ trình Chính phủ trong tháng 5/2023 để thực hiện được từ 1/7/2023 điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng, tăng 20,8%.

Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ, kinh phí để thực hiện mức lương cơ sở ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương bao gồm: Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao;

Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí thực hiện trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập do đơn vị tự đảm bảo theo quy định;

Sử dụng nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có); Còn đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao;

Sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang;

Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về nhu cầu và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023.

Cũng theo dự thảo Nghị định, ngân sách trung ương bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi đã thực hiện các quy định nêu trên.

Cùng chuyên mục