Thứ ba, 17/01/2023, 15:05 (GMT+7)

Chủ vườn quất Tứ Liên bày cách chăm sóc để cây vẫn luôn tươi tốt khi ở nhà

(Tiepthigiadinh) - Cây quất cảnh sau khi mua về nếu được chăm sóc tốt sẽ có thể trồng và cho ra quả lại.

Bài viết này thuộc series Tết Nguyên đán 2023

Xem thêm

Tại miền Bắc, cây quất cảnh là sản phẩm không thể thiếu được trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Cứ gần sát tới dịp Tết người dân Hà Nội lại tưng bừng, phấn khởi đi tìm những chậu quất cảnh về chưng trong nhà. Dù cây quất đắt tiền hay chỉ bình dân thì đều giúp không gian nhà ngày Tết thêm rộn ràng không khí.

Có mặt tại vườn quất Tứ Liên dịp cận Tết, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với cô Mai Trang (chủ vườn quất cảnh tại Tứ Liên). Là người đã có vài chục năm kinh doanh quất cảnh, cô Trang với nhiều kinh nghiệm có thể bật mí cho các gia đình mẹo chăm sóc để sau khi mua tại vườn về nhà vẫn đảm bảo quất tươi. Đặc biệt cô còn bật mí cách chăm sóc quất sau Tết đơn giản tại nhà, năm sau có để chơi tiếp.

1. Cách chăm sóc quất trong ngày Tết

Để chậu quất trong ngày Tết đẹp, tươi lâu, ra nhiều lộc hoa quả và cây có thể đủ sức để trồng lại được sẽ cần lưu ý như sau: Mỗi ngày bạn dùng bình bơm nhỏ, loại có dung tích 0,5 - 1,5 lít phun hoặc dùng tay rẩy nước sạch tán lá từ 1 - 2 lần, tưới đủ ẩm cho gốc quất.

cham soc quat Tiepthigiadinh H1
Cây quất để ngoài trời sẽ đẹp hơn cây quất để trong nhà. Muốn quất đẹp thì 4-5 ngày nên cho ra sân hoặc ban công phơi nắng.

Nếu muốn quất tươi lâu hơn nhà có ban công hay sân thì nên bê cây ra tắm nắng và tưới nước. Nếu có mưa phùn phơi cây sẽ rất tươi và tốt. Bởi trong nhà kín, cây thường thiếu oxy. Hoặc nhà thường bật điều hòa cũng sẽ khiến lá bị xấu. "Bao giờ cây quất để ngoài trời cũng sẽ đẹp hơn cây quất để trong nhà. Muốn quất đẹp thì 4-5 ngày nên cho ra sân hoặc ban công phơi nắng, tắm mưa xuân", cô Trang chia sẻ.

2. Cách trồng và chăm sóc quất sau Tết

- Cách trồng

Sau khi chơi xong Tết, muốn giữ cây để năm sau chơi lại thì bạn có thể mang quất trồng vào đất có pha cát, sét và bảo đảm được độ thông thoáng, đủ độ ẩm. Độ pH thích hợp đối với đất trồng cây quất là 5-6.

Cho cây xuống đất, bạn dùng sản phẩm kích rễ, vitamin chống thối rễ phun ướt đẫm tán lá, tưới ướt đẫm gốc cây. Tần suất 7 ngày/lần. Cho cây hồi lại, bộ rễ cây quất đã phát triển, các rễ mới được hình thành thì dùng tay vặt 1/2 đến 2/3 số lá trên cây, tiến hành trồng, tưới ẩm.

Chú ý: Hố trồng bón 1-2kg phân vi sinh hoặc 3-5 kg phân chuồng mục để bón lót. Đất cần có lối thoát nước bởi nếu để ngập quất sẽ ngừng phát triển và thậm chí có thể chết.

- Cách chăm sóc

Cứ 5-7 ngày thì xới quanh gốc (cách gốc 30cm) cho đất tơi xốp và tưới hoặc bón phân khoáng. Có thể tưới, bón thêm nước hoặc phân chuồng mục cho quất tốt bền và giảm sâu, bệnh hại.

Khi cây bắt đầu ra lá mới, thì dùng phân hữu cơ bón thay phân chuồng kết hợp với nước tăng trưởng phun lướt qua khoảng 15 - 20 ngày/lần. Nên bón lượng phân ít để tránh làm chết cây. Đến khi ra đủ lá thì sẽ cần bắt quả bằng cách phơi cây dưới nắng và dần tăng lượng phân lên nhiều hơn. Đến khi cây bật hoa và ra quả là có thể chưng chơi Tết.

3. Cách chọn cây quất đẹp "hoàn hảo" cho dịp Tết

Cây quất đẹp để chưng trong nhà ngày Tết cần đáp ứng đủ hai tiêu chí: Xum xuê lá quả và thế đẹp. Quả cần to đẹp, có quả lộc, quả Tứ Quý và nên có cả màu xanh và màu vàng.

cham soc quat Tiepthigiadinh H2
Chủ vườn quất Tứ Liên - cô Mai Trang.

Vừa tiền có thể mua quất đặt trong chậu gốm Phù Lãng, đắt tiền hơn thì chậu gốm của Bát Tràng. Khách mua có thể phân biệt hai loại chậu này bằng mắt thường, chậu gốm của Bát Tràng màu đậm, nét vẽ sắc sảo và tinh tế, dày hơn. Quất trong loại chậu này có giá đắt gấp 3 lần chậu Phù Lãng dù cây quất bên trong giống nhau từ kích thước tới thế uốn.

"Ví dụ như nhà cô đang bán cây quất trong chậu gốm Phù Lãng giá 100.000 đồng/chậu loại rẻ nhất nhưng cũng cây đó, thế đó, kích thước đó mà sang chậu gốm của Bát Tràng thì phải 300.000 đồng/chậu.

Còn thế cây quất năm nay vẫn như mọi năm. Một là bẻ hướng đổ về 1 bên. Hai là cành dài và rộng thì bẻ sang hai bên. Thế cây cũng quyết định giá bán rất nhiều. Đẹp thế thì đẹp tiền, thế xấu là ít tiền nên cứ tùy tình hình kinh tế của gia đình mà mua.

Năm nay chậu linh vật chưa thấy có vườn nào xuất hiện, bởi thường mọi người làm linh vật như con hổ, con trâu chứ ít khi làm con mèo", cô Mai Trang chia sẻ thêm.

Cùng chuyên mục