Thứ hai, 27/03/2023, 14:09 (GMT+7)

Cảnh giác với hình thức lừa đảo bằng công nghệ Deepfake giả làm người thân

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Các video Deepfake đang tăng với tốc độ 900% hàng năm. Những tiến bộ công nghệ đã giúp việc sản xuất chúng trở nên dễ dàng hơn và trở thành công cụ lừa đảo tinh vi hơn.

Thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện một phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới và rất tinh vi. Công nghệ được sử dụng là Deepfake - một công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao.

Các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để thực hiện cuộc gọi video để giả làm người thân quen vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay tạo ra những tình huống khẩn cấp giả như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu…

Theo cơ quan công an, để thực hiện được hình thức lừa đảo này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… rồi sử dụng công nghệ Deepfake để tạo sẵn những video rất khó phân biệt thật - giả; có hình ảnh, giọng nói của cá nhân đó để phục vụ cho kịch bản lừa đảo.

deepfake Tiepthigiadinh H1
Deepfake là một công cụ lừa đảo rất tinh vi.

Đặc điểm chung của những cuộc gọi video sử dụng Deepfake thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như cuộc gọi video trong khu vực phủ sóng di động hoặc wifi yếu (mạng lag) để nạn nhân khó phân biệt thật, giả. Nếu nạn nhân cẩn thận gọi video để kiểm tra thì chúng sẽ không nhận cuộc gọi hoặc sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh, video để đánh lừa.

Cơ quan Công an đề nghị mọi người nâng cao cảnh giác, khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội. Cần bình tĩnh, sau đó gọi điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh (không gọi qua các ứng dụng như Zalo, Messenger, Viber, Telegram…).

Nếu có nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Sau đây là một số cách để phát hiện công nghệ Deepfake:

Số lần nháy mắt

Hãy chú ý đến số lần hình ảnh trong video nháy mắt. Deepfake có xu hướng nháy mắt ít hơn người thật, đôi khi theo cách gượng ép hoặc không tự nhiên.

Khuôn mặt và cơ thể 

Hầu hết các tác phẩm của Deepfake chỉ giới hạn ở việc thay thế khuôn mặt. Bạn hãy để ý đến sự không hợp lý giữa tỷ lệ cơ thể và khuôn mặt, giữa nét mặt và chuyển động hoặc tư thế của cơ thể. Đây là một cách để phát hiện hành vi giả mạo này hiệu quả.

deepfake Tiepthigiadinh H2
Một ví dụ về sử dụng công nghệ Deepfake.

Bên trong miệng

Công nghệ tạo Deepfake không giỏi trong việc tái tạo một cách trung thực lưỡi, răng và khoang miệng khi một người nao đó nói. Do đó, vết mờ bên trong miệng cho thấy đó là hình ảnh giả mạo.

Những chi tiết khác 

Một điểm yếu nữa của Deepfake là chi tiết. Do đó, bạn cần tập trung vào các chi tiết nhỏ trên khuôn mặt như: quầng thâm quanh mắt, râu không thật, da quá mịn hoặc nhăn nheo, nốt ruồi giả hay màu môi không tự nhiên…

Thời lượng video 

Một video giả mạo đòi hỏi vài giờ thực hiện và đào tạo thuật toán, vì vậy các video do Deepfake tạo nên thường chỉ dài vài giây.

Âm thanh video

Deepfake vẫn còn hạn chế trong việc kết hợp cả giọng nói và khuôn mặt giả mạo. Nếu video không có âm thanh hoặc có âm thanh không khớp với khẩu hình mà không phải do mạng lag và trước đó bạn đã bị hỏi vay tiền thì hãy nghĩ ngay đến Deepfake.​

Cùng chuyên mục