Thứ tư, 28/12/2022, 15:45 (GMT+7)

Cẩn trọng với hội chứng ngưng thở khi ngủ

(Tiepthigiadinh) - Ngưng thở khi ngủ là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.

ngung tho khi ngu Tiepthigiadinh H1
Ngưng thở khi ngủ có nguy cơ gây đột quỵ, thậm chí đột tử trong đêm.

Ngưng thở có thể gây đột tử khi ngủ

Ths. BS Phan Thanh Thủy, Bộ môn Nội tổng hợp - Đại học Y Hà Nội cho biết: Ngưng thở khi ngủ là tình trạng xuất hiện những cơn ngừng thở hoặc giảm thở trong khi ngủ gây suy giảm oxy trong máu và gây một loạt các biến cố về sức khỏe mà bản thân người bệnh không hề biết. Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... dễ dẫn đến bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não.

Ngưng thở khi ngủ về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột quỵ, thậm chí đột tử trong đêm, người nhà không thể phát hiện hoặc đưa đi cấp cứu.

Đối tượng dễ mắc phải ngưng thở khi ngủ

Bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, đều có thể bị ngưng thở khi ngủ, nhưng thường gặp nhất ở tuổi trung niên, đặc biệt là nam giới, những người béo phì, bất thường cấu trúc đường hô hấp trên (amidan quá phát, hàm nhỏ, lưỡi to)…

ngung tho khi ngu Tiepthigiadinh H2
Ngưng thở khi ngủ thường gặp nhất ở tuổi trung niên, đặc biệt là nam giới.

Người béo phì, ngủ ngáy, nguy cơ ngưng thở khi ngủ tăng gấp 3 lần người bình thường. Ngoài ra, những người có thói quen sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện, chất an thần… cũng có nguy cơ ngưng thở khi ngủ.

Dấu hiệu nhận biết ngưng thở khi ngủ

  • Ngủ ngáy: là dấu hiệu phổ biến nhất. Bệnh nhân có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển và cuối kỳ ngưng thở. Ngáy to nhất khi nằm ngửa, giảm khi nằm nghiêng.
  • Mệt mỏi cả ngày: người bị ngưng thở khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt.
  • Buồn ngủ vào ban ngày: bệnh nhân có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe.
  • Đau đầu khi thức dậy: nguyên nhân do thay đổi nồng độ oxy não trong đêm.
  • Giảm trí nhớ, kém tập trung khi làm việc, học tập.
ngung tho khi ngu Tiepthigiadinh H3
Người bệnh có dấu hiệu nên đến các chuyên khoa hô hấp khám để được điều trị.

Khi có những dấu hiệu về ngưng thở lúc ngủ, người bệnh nên đến các chuyên khoa hô hấp khám ngay để được điều trị sớm nhất có thể. Có những cách sau để biết bệnh nhân đã mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ:

  • Đa ký giấc ngủ (đo giấc ngủ): dựa trên các thăm dò chức năng được sử dụng phổ biến nhất trong chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ.‎ Đa ký giấc ngủ bao gồm ghi nhận đồng thời về nhiều thông số sinh lý của bệnh nhân trong lúc ngủ. Đa ký giấc ngủ có thể trực tiếp theo dõi và đếm số lần gặp các sự cố về hô hấp, đồng thời cũng theo dõi tình trạng giảm ô-xy trong máu. Qua đó, các bác sĩ đưa ra chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Nội soi ống mềm khi ngủ: Là phương tiện khảo sát rất cần thiết cho việc xác định chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi ngủ. Bệnh nhân sẽ được gây ngủ và theo dõi bởi bác sĩ gây mê. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành nội soi kiểm tra chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi bệnh nhân ngủ để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Phòng ngừa và điều trị ngưng thở khi ngủ

Để đề phòng ngừa hội chứng ngưng thở khi ngủ, cần giảm cân nặng với những trường thừa cân béo phì. Những trường hợp có kèm theo bất thường về giải phẫu như bất thường hàm mặt, lưỡi gà rủ quá thấp cần có can thiệp về chuyên khoa.

Cần thay đổi lối sống để có thể làm nhẹ bớt triệu chứng ngưng thở khi ngủ như:

  • Tránh uống rượu
  • Ngưng các thuốc an thần và chất gây nghiện
  • Thay đổi tư thế ngủ (quay đầu giường lên cao 10cm, tránh nằm gối cao; một số bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ nhẹ hay ngáy to có thể ít bị vấn đề về hô hấp khi nằm nghiêng).
  • Thở áp lực dương liên tục
  • Phẫu thuật mở rộng khoảng thở vùng họng miệng bằng cách cắt bỏ tổ chức mô mềm thừa ở màn hầu và thành bên họng, có thể kèm cắt amidan
Từ khóa:
Cùng chuyên mục