Thứ năm, 29/12/2022, 11:14 (GMT+7)

Các mốc siêu âm thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ

(Tiepthigiadinh) - Một trong những kỹ thuật hỗ trợ đắc lực, giúp các bác sĩ sản khoa theo dõi thai kỳ của các mẹ bầu một cách chính xác và an toàn nhất chính là siêu âm thai.

moc sieu am thai Tiepthigiadinh H1
Siêu âm thai là kỹ thuật hỗ trợ bác sĩ theo dõi thai kỳ một cách chính xác.

Vì sao mẹ bầu phải đi siêu âm thai định kỳ?

Siêu âm định kỳ là cách tốt nhất để ghi lại hình ảnh của thai nhi ở trong bụng mẹ. Nhờ vậy, bố mẹ không chỉ được ngắm nhìn hình ảnh của con yêu mà còn biết được những vấn đề xung quanh sức khỏe của bé. Đặc biệt là bố mẹ sẽ biết được con mình có mắc phải các dị tật bẩm sinh hay không.

Trong suốt thai kỳ, kỹ thuật siêu âm tim thai cơ bản có thể tiến hành tại nhiều thời điểm khác nhau để có thể đánh giá sự phát triển của thai nhi trong bụng. Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ thì kỹ thuật siêu âm đã trở nên rất phổ biến, mẹ có thể lựa chọn siêu âm 2D, siêu âm 3D hay siêu âm thai 4D tùy vào từng mốc quan trọng khác nhau.

Các mốc siêu âm thai và khám thai định kỳ 

1. Mốc siêu âm định kỳ tuần thứ 5 - 8

Tuần thứ 5 – 8 được coi là mốc siêu âm thai cơ bản đầu tiên và đặc biệt quan trọng mà các mẹ bầu không nên bỏ lỡ. Khi siêu âm, chị em có thể biết chính xác được việc mình có thai hay không sau những lần thử thai trước đó.

Khi siêu âm ở mốc này, các bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí phôi thai làm tổ. Về cơ bản thì ở giai đoạn này, thai đã vào trong tử cung và đang hình thành phôi thai, đôi khi mẹ cũng có thể nghe rõ tim thai.

Bên cạnh đó, ở lần siêu âm này, các bác sĩ cũng sẽ tính toán tuổi thai nhi dựa vào chu kỳ kinh cuối của mẹ. Ngoài ra, chị em cũng nên trao đổi với bác sĩ về những vấn đề liên quan tới tiền sử sinh sản, sức khỏe khác để có hướng chăm sóc thai kỳ tốt nhất. Với những mẹ từng sinh con bị dị tật hoặc sảy thai nhiều lần thì điều này càng cần phải lưu ý. Bởi vì bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện những phương pháp sàng lọc trước sinh trong khoảng thời gian sớm nhất có thể.

Hơn nữa, thai phụ còn được bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho điều độ nhất khi siêu âm thai ở thời điểm này. Một số mẹ bầu còn có thể được chỉ định uống bổ sung thêm Acid Folic hoặc sắt sau khi siêu âm cơ bản xong.

2. Mốc siêu âm định kỳ tuần thứ 11 - 13 tuần 6 ngày

Trong lần khám thai thứ 2, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm để đánh giá sức khỏe của mẹ bầu và tình trạng phát triển của thai nhi.

Bác sĩ cũng sẽ chỉ định làm xét nghiệm Double test và siêu âm kiểm tra các bất thường lớn có thể gặp ở tuổi thai này ví dụ như: Thai vô sọ, thoát vị rốn, bang quang lớn..., đặc biệt là siêu âm đo độ mờ da gáy để đánh giá thai nhi có nguy cơ bị Down (và một số bệnh bất thường về nhiễm sắc thể như bệnh Edward hoặc Patau) hay không. Nếu kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc bệnh di truyền, bác sĩ sẽ tư vấn những xét nghiệm cần thiết để giúp chẩn đoán chính xác bệnh ví dụ như : Xét nghiệm NIPT (xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn) hoặc sinh thiết gai nhau...

3. Mốc siêu âm định kỳ tuần thứ 16 - 22

Trong lần khám thai thứ 3 này, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các kiểm tra thường quy như: cân nặng, huyết áp, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu,...để theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Nếu chưa được thực hiện xét nghiệm Double test, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Triple test, đây là loại xét nghiệm máu được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 15 – 18 của thai kỳ. Các xét nghiệm này để sàng lọc các bệnh như ở quý 1 thai kì nhưng có độ nhạy thấp hơn so với Double test.

Nếu như thai nhi có nguy cơ mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bà bầu làm xét nghiệm chọc ối vào khoảng giữa tuần thứ 15 đến 18 của thai kỳ. Thai phụ cũng cần lưu ý là thủ thuật này có nguy cơ gây sảy thai nhưng với tỷ lệ khá thấp, chỉ khoảng dưới 1%.

4. Mốc siêu âm thai định kỳ từ tuần thứ 22 - 28

Tại bệnh viện, bác sĩ siêu âm sẽ giúp mẹ bầu kiểm tra tình trạng nhau thai, nước ối, cân nặng, các bất thường về hình thái và tim thai của con. Mẹ bầu nên kịp thời trao đổi với bác sĩ mọi dấu hiệu thay đổi bất thường mà mẹ cảm nhận trong lần siêu âm cơ bản này.

moc sieu am thai Tiepthigiadinh H2
Thời điểm này, mẹ bầu sẽ được tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi đầu tiên.

Thai nhi sẽ được siêu âm 4D kiểm tra chi tiết các bộ phận trên cơ thể của thai nhi:

- Kiểm tra tứ chi về độ dài và số lượng xem có gì bất thường, có đầy đủ hay thiếu ngón chân ngón tay nào không.

- Khảo sát các dị tật về não bộ và cột sống.

- Tình trạng của các cơ quan nội tạng khác như tim, phổi, dạ dày… đánh giá dị tật tim thai, dịch bất thường trong khoang màng phổi, trong ổ bụng…

- Đánh giá dị tật ở gương mặt của thai nhi xem có bị sứt môi, hở hàm ếch, có đầy đủ hai tai hay không…

- Cuối cùng là xem có sự bất thường nào về bánh nhau, nước ối không, xem bánh nhau có bám chắc không, diện tích nhau bám có lớn không, nước ối có nhiều quá hay bị thiếu không.

- Tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi đầu tiên.

5. Mốc siêu âm định kỳ từ tuần thứ 28 - 32

Lần này đi siêu âm thai, bác sĩ sẽ kiểm tra các bất thường khởi phát muộn của em bé trong bụng mẹ như: Tắc ruột, giãn não thất, nhiễm trùng bào thai, kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Trong lần khám thai này, thai phụ sẽ được tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi thứ 2.

6. Mốc siêu âm định kỳ từ tuần thứ 32 - 34

Bác sĩ sẽ kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm non-stress để theo dõi sự phát triển của thai nhi.

7. Mốc khám thai thứ 7: từ tuần thứ 34 - 36

Bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá tương tự ở lần khám thai thứ 6 để theo dõi sự phát triển của thai và sức khỏe của mẹ.

8. Mốc khám thai thứ 8,9,10: từ tuần thứ 36 - 39

Đây là giai đoạn quan trọng vì bà bầu sắp bước vào quá trình chuyển dạ. Ở giai đoạn này mẹ bầu sẽ phải đi khám thai mỗi tuần 1 lần. Khi khám, bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám thường quy như siêu âm, xét nghiệm máu để chuẩn bị cho cuộc sinh, nước tiểu, thực hiện Non-stress test và kiểm tra cổ tử cung để theo dõi thai kỳ. Thực hiện làm Non stress test hay còn gọi là đo tim thai: dựa trên sự thay đổi của tim thai tương ứng với chuyển động của thai nhi. Xét nghiệm còn giúp bác sĩ tìm hiểu xem thai nhi có nhận đủ oxy hay không.

moc sieu am thai Tiepthigiadinh H3
Giai đoạn cuối thai kỳ, mẹ bầu sẽ phải đi khám thai mỗi tuần 1 lần.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị làm thêm các xét nghiệm đánh giá khung xương chậu để xem thai phụ nên sinh thường hay sinh mổ. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho thai phụ cách nhận biết dấu hiệu sắp sinh để kịp thời nhập viện.

3 mốc siêu âm thai đặc biệt quan trọng

Trong các mốc siêu âm trên, có 3 mốc quan trọng mà mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý gồm:

Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi thời điểm 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày

Ở các mốc siêu âm thai quan trọng này, mẹ có thể thấy được hình ảnh siêu âm thai 12 tuần và sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể, đánh giá tuổi thai và dự kiến sinh theo chiều dài đầu mông (là thời điểm đánh giá theo siêu âm chính xác nhất). Ngoài ra, ở mốc này, siêu âm thai có thể giúp sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể, chẩn đoán số lượng thai và số lượng bánh nhau, số lượng buồng ối nếu thai của bạn là đa thai, cũng như quan sát sớm các cấu trúc giải phẫu của thai như tay, chân, thành bụng, tim, hộp sọ, bánh rau... để phát hiện các bất thường lớn của thai, sàng lọc nguy cơ tiền sản giật. 

Siêu âm tầm soát dị tật thai 18 tuần đến 22 tuần

Ở thời điểm này, siêu âm thai có thể giúp đánh giá các bất thường về cấu trúc của thai, 18 tuần là thời điểm có thể bắt đầu đánh giá chi tiết cấu trúc thai và 22 tuần là thời điểm tốt nhất để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, đo các chỉ số sinh học,.. để đánh giá xem thai phát triển có tương ứng với tuổi thai hay không, có bị nhỏ không và nếu nhỏ thì có những nguy cơ gì hay không?

Siêu âm thai 30 tuần đến 32 tuần

Mốc siêu âm thai quan trọng này cần phải tiến hành để đánh giá tăng trưởng của thai, bác sĩ sẽ đo các chỉ số sinh học của thai để đánh giá thai nhi có đang phát triển bình thường, hay thai nhỏ hoặc lớn hơn bình thường, đồng thời đánh giá về tuần hoàn của thai thông qua các động mạch chính. Từ đó đánh giá nguy cơ về thiếu hụt oxy, suy giảm chức năng bánh rau của thai, từ đó các chỉ định xét nghiệm và siêu âm thêm với các vấn đề nếu gặp ở thai lớn và thai nhỏ...

Từ khóa:
Cùng chuyên mục