Thứ ba, 28/02/2023, 16:49 (GMT+7)

Bộ Y tế cảnh báo nhiều loại thuốc điều trị ung thư, dạ dày, tiểu đường bị làm giả

Thanh Phương (Theo Tiếp thị và Gia đình)

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa đưa ra cảnh báo về việc một số loại thuốc phổ biến điều trị các bệnh lý về dạ dày, ung thư, tiểu đường,… đang bị làm giả, nghi giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, Cục Quản lý Dược nhận được một số thông tin của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công An huyện Thạch Thất, Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam, Công ty TNHH Novartis Việt Nam, Văn phòng đại diện F.Hoffmann-La Roche Ltd tại Hà Nội, Văn phòng đại diện Les Kaboratoires Servier tại Hà Nội về việc phát hiện một số lô thuốc bị làm giả, nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc.

Số thuốc này có thông tin ghi trên nhãn (hình ảnh đính kèm) như sau:

- Nexium 40mg, Enterik Kapli Pellet Tablet, AstraZeneca, (01) 08699786040045, (21) 3500000157639358; (17) SKT: 09.2024; (10) Parti no: 22B264. Trong mỗi hộp có 4 vỉ, mỗi vỉ 7 viên.

- Nexium 40mg, Enterik Kapli Pellet Tablet, AstraZeneca, Số lô: 21H979, trong mỗi hộp có 4 vỉ, mỗi vỉ 7 viên (hình ảnh giống với hình ảnh của lô Parti no: 22B264 nêu trên).

thuốc giả
Mẫu thuốc Nexium 40mg ở mặt trước, mặt sau, mặt trên, mặt dưới. Ảnh: Cục Quản lý dược

- Tetracyclin Tw3 250mg, SĐK: VD-28109-17, Số lô SX: 0321, NSX: 02/02/2021, HD: 02/02/2024, Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3, quy cách hộp 400 viên nén. Đây là thuốc kháng sinh.

- Clorocid Tw3 250mg, SĐK: VD-25305-16, Số lô SX: 0321, NSX: 07/07/2021, HD: 07/07/2024, Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3, quy cách hộp 400 viên nén. Đây là thuốc kháng sinh. Trong khi đó, công ty này thông báo tới Cục Quản lý Dược: Từ 16/9/2019 đến 29/6/2022, công ty không tiến hành sản xuất lô thuốc nào đối với Clorocid Tw3, SĐK: VD-25305-16.

thuoc gia
Mẫu thuốc Tetracyclin Tw3 250mg và Clorocid Tw3 được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Thất gửi đến Cục Quản lý dược.

Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 thông báo tới Cục Quản lý Dược từ ngày 16/9/2019 đến 29/6/2022 (thời điểm công ty thông báo), công ty không tiến hành sản xuất lô thuốc nào đối với Clorocid Tw3, SĐK: VD-25305-16.

- TobraDex , hộp 1 lọ đếm giọt Droptainer 5ml, số lô: 22C10HB, ngày hết hạn/EXP: 10/03/2024, ngày sản xuất/ MFD: 10/03/2022 .

thuocgia
Hình ảnh 6 mặt của thuốc nhỏ mắt TobraDex thật (bên trái) và giả (phải). Ảnh: Cục Quản lý dược

TobraDex là thuốc nhỏ mắt. Phông chữ thuốc giả khác với thuốc chính hãng, vỏ hộp thuốc giả không sử dụng hệ thống bảo vệ Norvatis (NSS), chiều cao lọ thuốc giả (55mm) thấp hơn so với sản phẩm chính hãng, đáy chai thuốc gỉ không giống với thiết kế của Norvatis; giọt thuốc giả có màu trong suốt như nước cất trong khi thuốc chính hãng màu trắng, trắng đục.

- Tecentriq  1200mg/20ml (atezolizumab), số lô B0033B03, HSD: 02/09/24, code 10001437939658. Đây là kháng thể đơn dòng được chỉ định trong điều trị ung thư.

- Diamicron MR 30mg, số lô: 695986, HSD: 09/2024. Thuốc được chỉ định trong điều trị đái tháo đường type 2.

- Coveram 5mg/5mg, số lô: 2170310010, HSD: 11/2024. Thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp, bệnh động mạch vành...

thuốc gia1
Thuốc Coveram giả bao bì mẫu được công ty gửi đến Cục Quản lý dược. Ảnh: Cục Quản lý dược

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không kinh doanh, phân phối và sử dụng các sản phẩm được liệt kê có các đặc điểm để phân biệt nêu trên, báo cáo cơ quan chức năng nếu phát hiện lô thuốc trên.

Các đơn vị cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, tập trung việc kiểm tra đối với các sản phẩm có thông tin như mô tả nêu trên.

Đồng thời, tiếp nhận và xác minh thông tin, báo cáo Ban chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm bị làm giả có thông tin như mô tả nêu trên nếu phát hiện trên địa bàn.

Ngoài ra, cũng cần khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc đối với các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc nêu trên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược.

Cục cũng yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối liên quan đến các sản phẩm bị làm giả có thông tin như mô tả nêu trên cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc truy tìm nguồn gốc đối với các sản phẩm có thông tin như mô tả nêu trên.

Cùng chuyên mục