Thứ sáu, 23/12/2022, 06:15 (GMT+7)

Bánh chưng – Tinh hoa ẩm thực Tết của người Việt

Nguyễn Thị Yến Nhi (T/H)

Bánh chưng – một món ăn truyền thống, món ăn tinh thần tự bao đời của người Việt. Cùng Món ăn ngon đi tìm hiểu ý nghĩa và cách gói bánh chưng ngon chuẩn vị nhé!

Bài viết này thuộc series Tết Nguyên đán 2023

Xem thêm

NGUỒN GỐC CỦA BÁNH CHƯNG – SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG BÁNH DÀY

Truyền thuyết xưa kể rằng, khi vua Hùng Vương thứ sáu đã tuổi cao sức yếu, Vua muốn tìm một kế vị nối được chí của mình nhưng lại có tới 20 người con trai. Vua bèn hạ lệnh, trong lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý mình Vua sẽ truyền ngôi cho.

Các lang ai nấy đều tất bật sai người tìm của ngon vật lạ để dâng Vua, chỉ có Lang Liêu là buồn nhất. Chàng là người con thứ mười tám, xưa nay chỉ quen với việc trồng trọt, trong nhà chẳng có gì ngoài lúa gạo, ngô khoai, nên không biết tìm đâu ra những sản vật quý giá dâng lên Vua cha trong ngày lễ Tiên Vương.

Sau một đêm nằm mộng được thần mách bảo, chàng đã chọn ra thứ gạo nếp ngon nhất trong nhà để làm ra hai thứ bánh, một loại có hình vuông và một loại có hình tròn. Khi ngày lễ Tiên Vương đến, Vua cha rất hài lòng với những lễ vật của Lang Liêu, ngài bèn đặt tên bánh hình vuông là bánh chưng - tượng trưng cho đất, bánh tròn là bánh dày - tượng trưng cho trời. Vua dùng bánh của Lang Liêu để tế lễ trời, đất và Tiên Vương sau đó truyền ngôi lại cho Lang Liêu.

Từ đó về sau, hàng năm cứ mỗi dịp giỗ Tổ Vua Hùng và vào dịp Tết, người dân lại làm bánh chưng, bánh dày để tưởng nhớ công ơn vua Hùng và bày tỏ lòng thành với Tổ tiên. Dần dần, làm bánh chưng, bánh dày ngày Tết đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong dịp Tết Cổ truyền của người Việt Nam.

su tich banh chung, banh day tiep thi gia dinh
Ảnh minh họa

Ý NGHĨA CỦA BÁNH CHƯNG

banh chung tiep thi gia dinh
Bánh chưng - Ảnh minh họa

1. Bánh chưng tượng trưng cho đất trời.

Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước, chính vì vậy, từ xa xưa đời sống của người dân Việt đã phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều. Thiên nhiên quyết định sự ấm no của con người. Bánh chưng được làm ra mỗi dịp Tết đến để thể hiện sự biết ơn với trời đất và mong muốn năm tiếp theo sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu.

Bánh chưng âm dành cho Mẹ, bánh dày dương dành cho Cha. Bánh chưng bánh dày là món ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn và bao la như trời đất của cha mẹ

2. Bánh chưng thể hiện sự yêu thương, ấm áp  

Bánh chưng vốn mang trong mình ý nghĩa thiêng liêng, cao quý. Do đó, món ăn này cũng đòi hỏi ở người làm sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Bánh muốn ngon thì người chế biến phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo. Gói bánh chưng tuy không quá khó, song người làm phải thực sự đặt tình yêu của mình vào mỗi chiếc bánh mới có thể tạo hình vuông vắn, đẹp mắt. Bánh cần được buộc bằng lạt hoặc dây kỹ lưỡng để nước không ngấm vào trong. Thời gian nấu bánh chưng có thể hơn 10 tiếng đồng hồ. Trong những phút giây ấm áp trông chờ nồi bánh, cả nhà sum họp và sẻ chia cho nhau muôn kỷ niệm diễn ra suốt một năm bận rộn. Cũng từ đây, chiếc bánh chưng không chỉ gói ghém các nguyên liệu truyền thống để tạo nên hương vị dân tộc, mà còn kèm theo dư vị yêu thương, tình cảm thuận hòa của mỗi thành viên trong gia đình.

3. Bánh chưng thể hiện mong muốn ấm no sum vầy cả năm

Một chiếc bánh chưng gồm đủ các nguyên liệu từ động vật đến thực vật như thịt lợn, đậu xanh, gạo nếp, lá dong thể hiện sự sung túc, ấm no. Bánh dầy với hình tròn đầy đặn chính là sự đầy đủ, trọn vẹn trong cuộc sống.

Tuy đó là những điều nhỏ bé, đơn giản nhưng lại là tất cả những mong cầu của người dân vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Chúng ta vẫn thường nghe "Tết sum vầy" hay "Tết sum họp". Trong ngày Tết  hình ảnh gia đình quây quần cùng gói bánh chưng, ấm áp bên bếp lửa hồng chờ nồi bánh chín thật đẹp và ý nghĩa. Một cái Tết sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi màu xanh của bánh chưng, dù gia đình khá giả hay cuộc sống có bộn bề và nhiều lo toan, nhưng những chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên vào ngày Tết là chắc chắn phải có.

CÁCH GÓI BÁNH CHƯNG NGON CHUẨN VỊ

Nguyên Liệu Gói Bánh Chưng:

Gạo nếp: 1kg

Thịt ba chỉ: 500gr

Đậu xanh: 500gr

Gia vị: muối, hạt tiêu, hạt nêm

1 bó lạt tre/lạt giang

1 cái khuôn

1 nồi lớn

Các Bước Gói Bánh Chưng:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:

1. Vo sạch gạo và đỗ tới khi nước trong. Ngâm gạo 6-10 tiếng. Ngâm đỗ 4-6 tiếng.

2. Lá dong và dây lạt ngâm nước 2-3 tiếng.

3. Rửa sạch lá dong, lau thật khô. Chặt bớt cuống lá và tước gân lá.

4. Thịt lợn rửa sạch, thái khối lớn. Ướp thịt với ½ thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê tiêu.

5. Đỗ xanh sau khi ngâm ta ướp với muối cho đậm đà (có thể đồ lên rồi nắm thành từng viên vừa đủ cho từng chiếc bánh).

nguyên liệu sau khi ướp tiep thi gia dinh
Nguyên liệu sau khi sơ chế - Ảnh minh họa

Bước 2: Gói bánh chưng

1. Xếp lạt thành hình chữ nhật rồi đặt khuôn lên trên. Xếp lá dong đã gấp vuông vức thành các cạnh hình chữ nhật trong khuôn. Khi xếp lá dong nên để các mặt xanh đậm của lá vào bên trong và mặt xanh nhạt hơn ra bên ngoài để mặt đậm của lá tiếp xúc với gạo sẽ làm cho bánh chưng có màu xanh đẹp mắt hơn.

2. Lấy chén múc khoảng 200g gạo nếp cho vào khuôn, ấn và dàn đều để gạo điền đầy khắp đáy khuôn.

3. Tiếp tục rải đều 100g đậu xanh lên trên gạo, đặt 1 miếng thịt lên trên rồi lại rải thêm 100g đậu xanh lên cho phủ kín thịt (không nên rải đậu xanh hết đến cạnh khuôn mà nên chừa lại khoảng 1,5 cm).

gói bánh chung tiep thi gia dinh
Ảnh minh họa

4. Sau đó lấy tiếp 200g gạo nếp rải đều xung quanh và phủ kín mặt đậu xanh. Dùng tay ấn nhẹ gạo ở các góc và mặt bánh cho gạo nén xuống.

5. Tiếp đến, gập các cạnh lá lại, những chỗ lá thừa không cần thiết thì ta dùng kéo cắt đi cho gọn. Sau đó tay trái giữ cho lá khỏi bung ra, tay phải từ từ lấy khuôn ra đeo vào cổ tay trái. Đổi tay phải giữ lá rồi bỏ khuôn ra khỏi tay. Kéo hai đầu của mỗi sợi lạt cột bánh chưng lại. Dùng lạt cột thêm cho đều và chắc bánh, cắt bỏ phần lạt còn dư cho bánh đẹp và gọn.

6. Cuối cùng, bạn gập các cạnh lá lại rồi dùng kéo cắt bỏ những chỗ lá thừa cho gọn, từ từ lấy không ra và giữ lại lạt, sau đó lần lượt cột lạt lại cho thật chắc.

gói bánh (2)
Bánh chưng sau khi gói

Bước 3: Luộc bánh:

1. Lót dưới đáy nồi bằng cuống lá và lá thừa.

2. Đặt bánh chưng vào nồi lớn và đổ nước ngập bánh. Thời gian để luộc một chiếc bánh cỡ nhỏ là khoảng 5 tiếng, với chiếc bánh lớn thì sẽ cần nhiều thời gian hơn.

3. Còn nếu dùng nồi áp suất, thời gian luộc của bạn sẽ rút ngắn xuống bớt, chỉ còn 1 tiếng. Bạn cũng cần chuẩn bị thêm một nồi nước sôi để khi nước trong nồi luộc cạn thì châm thêm nước vào kịp thời. Khi luộc bánh chưng được nửa thời gian thì trở bánh lại, thay nước mới. Nếu không bánh sẽ không chín đều.

4. Sau khi bánh chưng chín thì vớt ra rồi cho ngay vào nồi nước lạnh ngâm trong 20 phút. Sau đó để bánh ráo nước rồi dùng vật hơi nặng đè lên bánh để ép nước ra, giúp bánh chưng không bị nhão và bảo quản được lâu hơn. Ép trong vòng 2-5  tiếng là được.

Luộc bánh chưng
Luộc bánh chưng

Bước 4: Thành phẩm:

Vậy là một chiếc bánh chưng dẻo ngon đậm vị đã được hoàn thành.

thành phẩm bánh chưng tiep thi gia dinh
Bánh chưng có thể ăn kèm dưa hành hoặc mật ong

CÁCH BẢO QUẢN BÁNH CHƯNG

Bảo quản ở điều kiện thường:

Để bảo quản bánh tét, bánh chưng bên ngoài, bạn lưu ý để bánh ở nơi sáng sủa, khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, để được tầm 7 - 10 ngày. Tốt nhất là bạn nên treo bánh lên cao để tránh bị các loại côn trùng ăn.

Bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh

Để bảo quản bánh chưng được lâu, bạn nên bảo quản chúng trong tủ lạnh. Mỗi lần ăn, nên đưa vào lò vi sóng hoặc hấp cho bánh nóng lại, hoặc có thể chiên. 

Nếu muốn bảo quả lâu hơn, bạn nên cho bánh chưng vào ngăn đông và dùng trong 20 ngày. Khi cần dùng, bạn rã đông ở nhiệt độ thường rồi mang đi hấp lại cho nóng. Bạn nên lấy cắt một lượng vừa đủ dùng, tránh lấy bánh ra rã đông nhiều lần sẽ khiến bánh mất đi độ ngon. Phần còn lại nên bọc kín trước khi cất lại vào tủ.

Bảo quản bằng cách hút chân không:

banh chung hut chan khong tiep thi gia dinh
Bánh chưng đã được hút chân không

Sau khi hút chân không, bánh chưng có thể bảo quản từ 5 -10 ngày ở điều kiện bình thường (nhiệt độ phòng), tùy thuộc vào điều kiện thời tiết địa phương. Ngoài ra, khi bảo quản trong ngăn đá, bánh chưng có thể dùng được trong vòng 15-20 ngày.

LƯU Ý ĐỂ CÓ MỘT CHIẾC BÁNH CHƯNG NGON

Trong suốt thời gian gói và luộc bánh, bạn cần phải chú ý đến các điều sau thì bánh mới ngon và không bị biến dạng, bục nát.

  • Lá dong để gói bánh cũng cần phải lựa chọn thật kĩ, lá có bề mặt sáng, màu xanh đậm nhưng không được quá già hay quá non và phần cuống nhỏ.
  • Trước khi xếp bánh chưng vào nồi, bạn cần xếp một lớp cuống lá dong bên dưới để bánh không bị cháy và dính đáy nồi.
  • Xếp bánh thành các tầng chồng lên nhau ngay ngắn và chặt để bánh được giữ cố định, phòng khi nước sôi có lực đẩy khiến bánh bị xô đẩy sẽ bị vỡ.
  • Sau khi nồi bánh chưng đã sôi, bạn giảm lửa (đối với nồi luộc bếp than, bếp củi) hoặc giảm nhiệt độ (đối với nồi luộc bằng điện). Chỉ để lửa liu riu trong suốt quá trình luộc bánh chưng.
Cùng chuyên mục